Tin địa phương

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,79 km; tổng mức đầu tư trên 24.282 tỷ đồng (dự án cao tốc Bắc - Nam).

Tỉnh Quảng Bình đang huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn.

Gỡ những nút thắt đối với công trình trọng điểm

Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan đến dự án cao tốc Bắc -Nam để tập trung tháo gỡ những vướng mắc.

Người dân ở Quảng Bình tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trong phạm vi thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến ngày 22/11/2022, dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được các UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành công tác trích đo hiện trường đạt 100%; hội đồng Giải phóng mặt bằng (GPMB) các địa phương của tỉnh Quảng Bình đã kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 126,47km/126,79km (đạt 99,44%). Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt hồ sơ trích đo với phạm vi 125,66km/125,86km.

Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, đại diện chủ đầu tư và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác trích đo hiện trường, công tác kiểm đếm tài sản, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư, chi trả tiền bồi thường cho người dân hoàn thành theo đúng cam kết.

Đối với công tác ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành 16 quyết định bồi thường, hỗ trợ có giá trị 188 tỷ đồng, với chiều dài 36km. Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang lập quy hoạch các khu tái định cư và khu nghĩa trang; tổng nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng dự kiến gần 4.500 tỷ đồng.

Được biết, khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Bình có 3.082 hộ gia đình, trên 3.600 ngôi mộ bị ảnh hưởng. Đến nay, các địa phương đã xác định 662 hộ dân thuộc diện tái định cư tại 22 xã, dự kiến bố trí 29 khu tái định cư với diện tích 82,98ha; xác định bố trí 17 khu nghĩa trang cho 3.382 ngôi mộ tại 15 xã; các ngôi mộ còn lại đang được UBND huyện xác định di dời vào các khu nghĩa trang hiện có.

Trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Quảng Bình đang tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc như: Công tác phê duyệt hồ sơ trích đo, công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Việc triển khai lập quy hoạch chi tiết, lập dự án khu tái định cư còn chậm…

Tại buổi làm việc mới đây, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, đơn vị, địa phương tập trung thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ một số khó khăn liên quan đến công tác bồi thường GPMB; đề nghị sớm cho chủ trương về xử lý thu hồi đất thực hiện các khu tái định cư tại các vị trí chưa phù hợp; quản lý, sử dụng đối với phần đất ở còn lại không thu hồi mà nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường cao tốc; mức hỗ trợ diện tích đất vườn liền kề đất ở...

Để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, ông Đoàn Ngọc Lâm đề nghị các Ban Quản lý dự án (Bộ GTVT) tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế và trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, làm cơ sở bàn giao mặt bằng theo tiến độ; chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận mặt bằng sạch để triển khai các công việc tiếp theo.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, tiến hành chi trả tiền cho người dân bị ảnh hưởng; đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng các gói thầu xây lắp; khẩn trương lập, trình phê duyệt hồ sơ thiết kế di dời, hoàn trả các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Để người dân đồng thuận, thực hiện tốt chủ trương

Một trong những vướng mắc khó giải quyết nhất trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam là việc giải phóng mặt bằng, kiểm đếm tài sản trên đất, đồng thời việc triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng, lập dự án các khu tái định cư, khu nghĩa địa để triển khai xây dựng bố trí tái định cư, di dời mồ mả cho người dân... Ban đầu, các địa phương ở Quảng Bình có dự án đi qua cũng gặp nhiều lúng túng và trở ngại.

Khó khăn nhất là việc khi người dân đi tắt đón đầu xây dựng chờ đền bù, nhiều địa phương chỉ sau một đêm công trình nhà cửa, tường rào, trang trại chăn nuôi mọc lên như nấm. Có những nơi, mặc dù cơ quan chức năng chưa cắm mốc nhưng hàng trăm hộ dân đã trồng cây, đắp mộ gió, đào ao, xây chuồng… chờ đền bù.

Sau khi các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo rốt ráo, tuyên truyền, vận động, giải thích đến nay người dân không còn xây dựng các công trình trái phép chờ đền bù, mà ngược lại nhiều nơi bà con tự tháo dỡ các công trình, trả lại mặt bằng “sạch” để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam.

Các địa phương lúc đầu có nhiều hộ dân xây dựng công trình chờ đền bù như ở các xã Phú Thủy, xã Sơn Thủy, xã Kim Thuỷ, Trường Thuỷ và thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy; xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh; xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch… giờ đây bà con đều hiểu và thấy tầm quan trọng của Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn và bà con đồng thuận hưởng ứng chủ trương chung của Đảng và nhà nước khi triển khai công trình trọng điểm này.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng để triển khai dự án, sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân ở Quảng Bình đã tự nguyện tháo dỡ, trả lại hiện trạng mặt bằng. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động kịp thời anh đã tự tháo dỡ khoảng 130m tường rào bao quanh trang trại để chờ đền bù. Anh Tuyên cho biết: “Khi xây dựng không biết sai trái. Khi xây dựng xong rồi thì xã cũng mời ra tuyên truyền, gia đình cảm thấy việc làm của mình sai nên tự thuê máy đập phá dỡ. Thì mình cũng phải làm cho đúng với chủ trương của Đảng và nhà nước…”. Cũng như gia đình anh Tuyên, hiện có nhiều hộ dân trên địa bàn Quảng Bình ở các huyện như Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn… cũng tự tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm.

Ông Nguyễn Khắc Tiệp ở xã Phú Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ tâm sự: “Khi thấy các hộ khác xây dựng đề chờ đền bù thì tâm lý gia đình cũng lo lắng sợ thua thiệt và làm theo, nay được lãnh đạo xã xuống nhà tuyên truyền, vận động, gia đình tôi chấp hành chủ trương của xã nên đã tự thuê người tháo dỡ trả lại mặt bằng để nhà nước làm dự án”. Dọc đường Hồ Chí Minh đoạn từ thành phố Đồng Hới đi các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nơi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chạy song song, người dân đồng thuận với chủ trương thu hồi đất phục vụ công trình trọng điểm quốc gia. Hầu hết người dân đều tuân thủ chủ trương áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án.

Tác giả: Dương Sông Lam

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP