Các cơ sở giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên tăng cường nền nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, các đơn vị cần chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân đối với xã hội, cộng đồng của học sinh.
Đồng thời, các đơn vị, trường học chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn thực hiện nghiêm túc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên về dạy học và kiểm tra, đánh giá; tuân thủ việc xây dựng ma trận đề kiểm tra một tiết và kiểm tra cuối học kỳ, đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan, gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao (không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ II...
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh học tập quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; quy chế tuyển sinh đại học và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy chế để cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng về những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, hiệu trưởng các đơn vị trường học chỉ đạo xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh.
Việc ôn tập của học sinh sau khi kết thúc năm học thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học. Các đơn vị trường học nghiên cứu, giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT trong quá trình dạy học và ôn luyện kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Thống nhất với học sinh và phụ huynh học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.
Đối với việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi của học sinh phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Đặc biệt là phải đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học. Đối với những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn tập, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục tạo điều kiện tổ chức ôn tập cho các đối tượng này.
Tác giả bài viết: Duy Tuyên
Nguồn tin: