Du lịch

Thăng trầm lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Kể từ năm 1960, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nhiều lần được khôi phục và sau đó bị dừng lại vì các lý do khác nhau.

Một cú đọ sừng của hai trâu chọi. Ảnh: Giang Chinh

Theo nhiều người dân địa phương, cho đến nay có một số truyền thuyết khác nhau về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng).

Đại tá Đinh Đình Phú - 78 tuổi, nghệ nhân dân gian lễ hội chọi trâu cho hay đây là một tập tục có từ xa xưa của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, thường diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Trong văn hóa cộng đồng người dân Hải Phòng, còn lưu truyền câu ca cổ: “Dù ai buôn đâu bán đâu / Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về / Dù ai buôn bán trăm nghề / Mùng chín tháng tám nhớ về chọi Trâu”.

Ông Phú kể, mùa xuân năm 1960, hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức sau nhiều năm ngắt quãng và diễn ra vào ngày mồng 4 Tết nguyên đán. Sới chọi là mấy thửa ruộng khô trong làng, vì không tổ chức đúng ngày 9/8 âm lịch nên chỉ gọi là hội; các phần lễ theo truyền thống như rước kiệu, phường bát âm... không được tổ chức.

"Hôm đó trời rét 13-14 độ C nhưng người đến xem hội đông kín. Trâu vào sới không phải tuyển chọn như hiện nay mà là 6 trâu cày của các hợp tác xã nông nghiệp trong vùng", ông nói.

Trong hội chọi trâu Đồ Sơn 1960, người đàn ông mà dân địa phương quen gọi là "cụ Vệ", tuổi đã cao nhưng có sức khỏe hơn người được làng giao việc bắt trâu. Một phóng viên hãng phim truyền hình đến từ Nhật Bản có mặt ở Hải Phòng lúc bấy giờ, đã quay được cảnh người đàn ông tay không bắt trâu thua chạy khỏi sới. Đoạn phim này sau đó được chiếu ở Hà Nội, ông Phú và dân làng chỉ được nghe kể lại mà chưa xem tận mắt.

"Hội chọi trâu năm ấy diễn ra trong sự hào hứng của dân làng, nhưng về sau có ý kiến phê phán là bạo lực, có dấu hiệu mê tín dị đoan. Hơn nữa, lúc này chiến tranh vào giai đoạn ác liệt nên thành phố đã dừng tổ chức chọi trâu", một số người dân địa phương cho hay.

Trâu chọi Đồ Sơn phá hàng rào thép, tấn công vào khu vực Ban tổ chức. Ảnh: Giang Chinh


Trâu nghỉ cày để luyện tập

Đến năm 1973, sau Hiệp định Paris, lãnh đạo thành phố đồng ý để chính quyền thị xã Đồ Sơn tổ chức lại lễ hội chọi trâu vào ngày truyền thống (9/8 âm lịch). Lúc bấy giờ, các hợp tác xã nông nghiệp cho một số trâu nghỉ cày để luyện tập, chờ ngày lên sới; ngư dân làm việc trong hợp tác xã đánh bắt thủy sản ở địa phương háo hức chờ đợi ngày tái diễn lễ hội này.

Hội chưa đến, nhưng trước sự háo hức được cho là quá mức ở địa phương có thể khiến người dân bỏ bê "nhiệm vụ chính là lao động sản xuất", lãnh đạo Hải Phòng một lần nữa buộc thị xã Đồ Sơn hoãn tổ chức lễ hội chọi trâu.

Năm đó, nhà chức trách Đồ Sơn không đứng ra tổ chức nhưng đến ngày 9/8 âm lịch, nhiều người dân đã tự đưa trâu cày của hợp tác xã ra khu vực quán Tàn ở đường Đầm Chợ để chọi. Một năm sau, người dân tiếp tục tự tổ chức chọi trâu thì thì xảy ra sự cố trâu chọi đuổi nhau, dẫm đạp lên người xem.

"Hải Phòng sau đó đã chính thức cấm lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cho tới tận năm 1989", ông Đinh Đình Phú nói.

Một khán giả bị trâu chọi tấn công khiến chấn thương nặng. Ảnh: Giang Chinh

Sân vận động trung tâm thành sới chọi

Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chính thức được khôi phục với 12 "ông trâu". Lúc này ông Đinh Đình Phú bắt đầu tham gia tích cực vào lễ hội này.

"Xót xa trước việc nhiều trâu cày ruộng của các hợp tác xã bị đưa ra sới chọi, rồi mổ thịt khao cả làng, tôi đã phá lệ và trở thành một trong những người khởi xướng việc cho tư nhân mua trâu vào chọi", ông Phú nói.

Từ thập niên 1990, lễ hội chọi trâu bắt đầu được tổ chức đều đặn và thu hút đông du khách ở các tỉnh, thành khác đến xem. Để đảm bảo an toàn cho khán giả, UBND quận Đồ Sơn đã cải tạo sân vận động trung tâm thành sới chọi với hàng rào lưới thép được dựng lên.

Tuy nhiên, cách thức tổ chức cũng như tính an toàn của lễ hội chưa thực sự được đảm bảo; một số mùa lễ hội trong các năm 2006, 2007, 2011đã diễn ra việc trâu chọi húc trọng tài, phá hàng rào, tấn công nhiều người. Gần đây nhất vào ngày 1/7, vụ trâu số 18 đã húc chết chủ là ông Đinh Xuân Hướng ngay trên sới.

Nghệ nhân Đinh Đình Phú cho rằng, thực tế nêu trên là hệ quả thương mại hóa lễ hội truyền thống; việc tuyển và huấn luyện trâu chưa thực sự được xem trọng. Trong các mùa lễ hội gần đây, các trâu dù thắng hay thua đều bị mổ thịt bày bán ngay cổng ra vào sới chọi với giá vài triệu đồng mỗi kg, đây là một hình ảnh rất phản cảm và đi ngược lại tinh thần của lễ hội chọi trâu xưa.

"Một số doanh nghiệp nhận thấy lễ hội là cơ hội kinh doanh nên đã bỏ tiền ra mua một lúc 2-3 con trâu, sau đó liên kết với người dân địa phương để hợp thức hóa việc đưa trâu tham gia sới chọi. Các phường thì tăng lệ phí mà các chủ trâu phải đóng, có khi lên đến hàng chục triệu đồng", ông Phú nói.

Ông Hoàng Minh Hiếu - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, quận không thu lệ phí mà các phường tự thu trên tinh thần chủ trâu “tự nguyện” đóng; số tiền thu được dùng cho công tác tổ chức và một phần để tu sửa đình làng.

Theo ông Hoàng Đình Hùng - Phó chủ tịch UBND phường Vạn Hương, phường này có mức thu là 25 triệu đồng "theo quy chế".

Sau khi diễn ra vụ trâu chọi húc chết chủ, thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Hiện các cơ quan chức năng đang rà soát công tác tổ chức lễ hội này, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho du khách và xác minh có hay không chất kích thích trong trâu chọi.

Những pha đấu hiểm của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Tác giả: Giang Chinh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP