Trong nước

Thảm sát Thạnh Phong: 'Tha thứ mà có quên được đâu'

Nửa thế kỷ sau, trên mảnh đất ấy, lòng ông Sáu Rừng đã tha thứ cho những người lính Mỹ đêm đó. Còn với bà Bùi Thị Lượm, nói tha thứ không dễ dàng "nhưng thù thì làm gì được nữa".


“Nhớ cứ giật mình hoài”, bà Bùi Thị Lượm, nạn nhân duy nhất sống sót nhớ về cuộc thảm sát ở Thạnh Phong, Bến Tre, năm 1969, nói. Ngôi nhà nhỏ của bà Lượm nằm rìa đầm tôm cách hiện trường vụ thảm sát 20 km về phía biển. Lâu lắm rồi bà Lượm cũng không về Thạnh Phong, người ở Thạnh Phong cũng chỉ biết bà sống cùng chồng con ở Bến Trại cách nhà cũ xa lắm.

Ký ức không nước mắt

47 năm về trước, bà Lượm 12 tuổi, cha chết, em nhỏ hơn sống với mẹ, còn bà sống cùng bà nội và những người bà con ở hầm trú ẩn. Thi thoảng biệt kích Mỹ vẫn ghé vào khu nhà và đếm từng người một. Nhưng vào đêm trăng tháng 2/1969, cuộc sống ở đó hoàn toàn bị xoá sổ.


Bà Bùi Thị Lượm, nạn nhân duy nhất sống sót sau thảm sát Thạnh Phong. Ảnh: Trương Khởi.

“Đêm đó, tôi đang ngủ thì nội gọi. Tôi bò ra cửa hầm thì thấy mọi người ngồi chụm lại với nhau, lính biệt kích bao quanh. Rồi đột ngột bọn chúng bắn từng loạt. Giá như biết chúng sẽ bắn thì mọi người cứ liều chạy đi rồi, ai sống thì sống”, bà nhớ lại.

Mãi nhiều năm sau này, bà Lượm vẫn không hiểu vì sao mình có thể lăn được vào hầm. Đứa bé 12 tuổi bị vỡ bánh chè ở đầu gối, bị thương ở lưng, ở đầu, nén đau trốn trong một khúc cua đến khi biệt kích đi khỏi.

Không có ai khác may mắn sống sót trong đêm đó. Trong số 21 người chết, có một người cô và một người mợ đang mang thai. Nếu tính cả thai nhi chưa lọt lòng, con số chính xác là 23 nạn nhân. Những người chết là bà nội, là bà con, là đám trẻ con vẫn chơi cùng hàng ngày. “Đứa em họ con cô tôi cũng chết. Mẹ nó đi giao liên chết. Ba nó đi tập kết. Nó về ở với ngoại”, bà Lượm nhớ như in.

Bia tưởng niệm vụ thảm sát tại ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh Phong. Tấm bia ghi: " Nơi đây, ngày 25 tháng 2 năm 1969, lực lượng biệt kích Seal của quân đội Mỹ do Bob Kerrey chỉ huy đã đột kích vào vùng đất này. Trong bối cảnh không hề có tiếng súng khiêu chiến của lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đội biệt kích của Kerrey vẫn cố tình thức hiện những hành động giết người dã man. Chúng vào nhà dân, dùng dao cắt cổ, giết những người trong nhà. Sau đó, chúng đã tập trung các nạn nhân khác lại để bắn bằng súng máy tự động ở cự ly gần. 21 thường dân vô tội gồm người già, phụ nữ và trẻ em đã bị tàn sát dã man. Ảnh: Hà Hương.

Những người năm đó tìm thấy bà Lượm bê bết máu, lê cái chân bị thương chạy về phía rừng, nay đã chết. Bà Lượm cũng không nhớ nhiều về những ngày sau đó. Chỉ biết sau một đêm ở Thạnh Phong không cầm được máu, bà được chuyển lên Thạnh Phú rồi có ghe chở về nhà thương Trà Vinh điều trị. Vết thương ở đầu gối mãi gần nửa thế kỷ sau vẫn nhức buốt mỗi khi trở trời.

Hài cốt của những người thân chết đêm đó, bà Lượm nói, sau này chỉ đủ sức đưa bà nội và người cô út về xây mộ. “Những đứa trẻ con đành phải bỏ lại, xương thịt cũng tan thành đất rồi”, bà đau xót kể.

Từ Bến Trại đi về phía biển là ấp Thạnh Hoà của xã Thạnh Phong, có một bia tưởng niệm 21 nạn nhân nằm bên ngã ba đường. Ngoài ra, không còn nhiều dấu tích nhắc nhở đến vụ thảm sát 47 năm về trước. Nơi đó giờ đã thành bờ rào, thành nhà cửa, thành vườn cây, một vài hiện vật đã được lấy đi để trưng bày tại bảo tàng ở TP HCM.

Ông Sáu Rừng, người có mặt sau vụ thảm sát đêm đó, chỉ một ụ đất nhỏ cuối bờ rào nói: “Đó là miệng hầm nơi tìm thấy ba đứa cháu nhà ông Chín bị cắt cổ. Bà Chín được tìm thấy cách đó khá xa, cổ họng bị cắt lìa. Ông Chín nằm chết ở sát mép sông. Lúc chết, một tay vẫn vắt lên trán, trên ngực còn nguyên dấu giày lấm bùn đất của biệt kích”.


Ống cống này là vật dụng của gia đình ông Bùi Văn Vát ở ấp 5, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Đêm 25/2/1969, trong cuộc thảm sát ba đứa bé là cháu nội ông Vát đã ẩn nấp trong ống cống này nhưng vẫn bị lính biệt kích Mỹ sát hại.

Trong ký ức của người đàn ông này, ông nhớ rõ nơi biệt kích đặt giá súng để bắn. Đêm đó ở Thạnh Phong, không có người đàn ông nào có mặt, chỉ có người già, phụ nữ, trẻ nhỏ đứng trân mình trước làn đạn. “Nhiều người chết mà chẳng còn lành lặn. Có người già chết mà tay vẫn chắp trên trán như đang quỳ lạy”, ông Sáu Rừng kể mà mắt đỏ hoe.

Ấp Thạnh Hoà sau đêm thảm sát cũng trở thành bình địa, chẳng còn người dân nào dám ở lại.

Mong những người gây ra vụ thảm sát trở lại, chia sẻ

Nửa thế kỷ sau, trên chính mảnh đất ấy, ông Sáu Rừng nói lòng ông tha thứ cho những người lính Mỹ đêm đó, chỉ là đến chết ông vẫn không quên được.

“Hoà bình rồi, tha thứ chứ còn làm được gì nữa. Nhưng những người gây tội ác năm đó, tôi vẫn mong họ trở lại, giúp đỡ những gia đình nạn nhân sống sót, ít nhất để họ có thể làm mộ, an táng tử tế cho người đã khuất”, ông Sáu Rừng nói.

Bà Võ Thị Nùng, 60 tuổi, người dân ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh Phong cũng chia sẻ: " Bây giờ người ta biết lỗi rồi mà bồi đắp lại cho dân mình thì cũng nên tha thứ, theo ý của riêng tôi thôi nhé. Nhưng mà nói quên thì chẳng bao giờ quên được".


Ông Sáu Rừng tại hiện trường xảy ra vụ thảm sát. Ảnh: Hà Hương.

Mọi chuyện đã qua, chỉ biết nói tha thứ chứ còn có thể làm gì hơn, người dân Thạnh Phong nói và cho biết đến giờ chưa thấy nhóm biệt kích năm đó quay lại.

Ông Đỗ Văn Dư, ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh Phong, nhắc lại ngày quay về làng và nói: "Cha tôi may mắn di tản trước ngày thảm sát hai hôm và may mắn sống sót. Trước đó, ông cứ khăng khăng đòi ở lại bám đất bám làng. Năm 1970, tôi trở về ấp, cất lại căn nhà trên chính hiện trường đêm tháng 2/1969. Giờ mọi chuyện đã qua rồi, nói tha thứ thôi chứ còn có thể làm gì hơn. Chỉ mong những người gây ra vụ thảm sát đó trở lại, chia sẻ gia đình các nạn nhân".

Bà Nguyễn Thị Hạng, mẹ bà Bùi Thị Lượm, giờ vẫn sống ở ấp Thạnh Hoà, cách hiện trường vụ thảm sát không xa. Nhắc lại những người thân đã bị giết đêm đó, bà Hạng nghẹn lời: “Nhìn con Lượm suốt bao năm cứ ám ảnh, đau khổ hoài. Nhưng tha thứ thôi chứ biết làm sao bây giờ!”.

Nhưng nạn nhân duy nhất còn sót lại thì nói lời tha thứ không dễ dàng. Ngồi bên hiên nhà trong bóng chiều chạng vạng bà Bùi Thị Lượm thẳng thắn: “Tôi vẫn thù ông ấy dữ lắm. Ông ấy giết nội tôi, giết 16 người thân của tôi. Nhưng thù thì làm gì được nữa”.

Ông Đào Hải, Bí thư chi bộ thôn Thạnh Hoà, xã Thạnh Phong: Tha thứ là vì tình người

Chết chóc là điều tất yếu xảy ra thời chiến tranh, điều đó ai cũng hiểu. Nhưng cuộc thảm sát này là người già, phụ nữ mang thai và trẻ em. Nếu những người lính biệt kích năm xưa thấy đó là một sai lầm, tôi tin lòng dân sẽ tha thứ. Tha thứ là vì tình người, nhưng ấn tượng về đêm đẫm máu đó sẽ còn mãi mãi trong lòng thân nhân và những người sống sót.

Tác giả bài viết: Hà Hương, Clip: Trương Khởi

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP