Thảm cảnh người đẹp một thời
Trong số những lý do thôi thúc hoàn lương, Bùi Thị Trà (quê Kim Bảng, Hà Nam) nói với chúng tôi: "Tôi sợ khi không còn trẻ, tôi sẽ giống hoàn cảnh của Vy Thị Liễu (39 tuổi, quê Bắc Ninh)".
Nhiều năm về trước Liễu là một cô gái đẹp, được nhiều người săn đón. Khách muốn thuê cô phải trả giá cao và phải đăng ký để người quản lý của Liễu xếp lịch.
Nhưng sau những chuyến đi chơi bị dụ dỗ hút chích ma túy, Liễu trở thành một con nghiện. Các khách quen của Liễu biết chuyện không dám chọn cô nữa nên lượng khách của Liễu ngày càng ít đi. Người quản lý đành phải đẩy cô ra đường, tìm khách trên các con phố đêm ở Hà Nội.
“Đi khách” được một thời gian, Liễu nhiễm HIV nên bị nhóm bảo kê ghẻ lạnh, không bảo vệ đưa đón mỗi khi đi làm.
“Chị ấy đành phải tự mình lang thang, kiếm khách ngoài đường và gật đầu với mọi mức giá mà khách đưa ra”, Trà kể.
Các cô gái bán hoa không mấy hy vọng về tương lai. Ảnh: Nam Phương |
“Thậm chí, có người đàn ông muốn giải quyết nhu cầu sinh lý nhưng trong túi chỉ còn 20 nghìn, chị ấy cũng gật đầu. Họ đưa nhau vào một gốc cây và trao đổi nhanh chóng”, Trà nói tiếp.
Theo lời Trà, chính vì kiếm tiền một cách bất chấp nên nhiều khi người đàn bà này trở thành cái gai trong mắt bạn cùng nghề, cô bị kéo ra một chỗ hành hung.
“Sau khi đánh xong, người ta mặc kệ chị ấy nằm lăn lóc, lúc nào tỉnh thì tự đứng dậy lê chân về. Tôi nghe xong, gai ốc cứ nổi lên. Tôi nghĩ đến phận mình biết đâu cũng đến ngày như thế mà sợ hãi”, Trà chia sẻ.
Buổi tiếp khách cuối cùng…
Sau nhiều lần bị đánh đập, dày vò bởi khách và những người chủ chứa, Nguyễn Thị Sen (SN 1986) cũng quyết tâm hoàn lương.
Cô thức dậy từ 4h sáng nấu xôi, chè đỗ đen, trứng vịt lộn... rồi mang bán ở chợ cóc (một khu chợ tự phát nằm cuối ngõ). Chiều, Sen lại dọn bàn ghế ra đầu đường bán trà đá.
Cô vứt chiếc sim cũ, không liên lạc và bước chân vào bất cứ quán karaoke nào để cố quên đi quá khứ không mấy vui vẻ của mình. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng sống yên ổn, Sen tình cờ gặp lại một “đồng nghiệp” cũ.
Người phụ này thấy Sen ăn mặc tềnh toàng, mặt mũi nhợt nhạt vì không trang điểm thì la lối om sòm. Chị ta cho rằng, Sen đã sai lầm khi quyết tâm dứt hẳn nghề.
Ảnh: Pháp luật Việt Nam |
“Chị ấy giật phắt điện thoại của tôi để lấy số. Sau đó, chị ấy giảng giải cho tôi một bài dài. Chị nói tôi ngu dại, kiếm tiền sung sướng không muốn lại đi ngồi đầu đường xó chợ kiếm đôi ba chục ngàn”, Sen nhớ lại cuộc gặp gỡ với người bạn cũ.
Sau hôm đó, người bạn này liên tục gọi điện cho Sen để dẫn mối. Chị ta khuyên Sen cứ bán trà đá nếu Sen thích nhưng thỉnh thoảng khách gọi thì cũng nên đồng ý.
“Đi chơi một vài tiếng là có thể mang về vài trăm nghìn, đủ mua sữa cho con”, người phụ nữ sinh năm 1986 thuật lại lời bạn. Tuy nhiên, Sen luôn từ chối. Cho đến một ngày, hai đứa con của Sen đều nhập viện do ngộ độc đường tiêu hóa.
“Trong túi tôi lúc đó còn có 160 nghìn. Sau khi bắt xe đưa con vào viện hết 80 nghìn đồng, tôi còn 60 nghìn. Buộc lòng, tôi phải gọi điện cho chị bạn hôm trước để vay nóng.
Người bạn này mang đến cho tôi 2 triệu nhưng miệng không quên chửi tôi ương bướng”, chị Sen nhớ lại.
Hôm sau, trong lúc Sen và mẹ già vẫn đang chăm sóc cho các con ở viện thì người bạn này lại gọi điện. Chị ta bảo Sen đến ngay quán karaoke ở đường Giải Phóng để tiếp khách. Vị khách này biết Sen nên hứa sẽ trả cho cô 1 triệu đồng nếu cô xuất hiện ở đó khoảng 2h đồng hồ.
“Tôi đành tặc lưỡi. Trong lòng tự hứa đây sẽ là buổi tiếp khách cuối cùng của mình. Sau đó, tôi giao các con lại cho mẹ rồi bắt xe về phòng trọ thay quần áo, trát ít son phấn và tìm đến địa điểm chị bạn vừa gửi”, Sen gạt nước mắt nói.
Đến nơi, Sen nhận ra trong phòng có tới 5 gã đàn ông chừng 50 tuổi nhưng chỉ có cô và chị bạn ngồi phục vụ.
“Họ hát hò chúc tụng rồi yêu cầu chúng tôi nhảy múa cùng. Tôi cũng buộc phải làm theo… Nước mắt chảy ra nhưng phải lau thật vội”, Sen nói.
Với Sen, đó là cuộc chơi mà cô thấy khủng khiếp nhất. “Em cứ tưởng tượng đi. 2 đứa con đang nằm viện, sức khỏe chưa biết thế nào, mình là mẹ lại ngồi tiếp rượu, làm thú tiêu khiển cho những người say nhưng biết làm thế nào được...”, Sen nói với chúng tôi
Sau đó, vì hoàn cảnh khó khăn, các con ốm đau liên tục nên lời hứa hoàn lương của Sen lại bị gác lại. Buổi tiếp khách cuối cùng cứ được gia hạn suốt ngày này đến tháng kia…
Tác giả: Thanh Tâm - Nam Phương
Nguồn tin: Báo VietNamNet