Du lịch

Tết Việt ở ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài

Sự kiện tái hiện không gian Tết xưa đã diễn ra tại đình làng So (Hà Nội), với các nghi lễ dựng cây nêu, dâng lễ, gói và luộc bánh chưng, viết thư pháp, hát cửa đình...

Những người tham gia Tết Việt phần lớn là giới trẻ thành phố. Lần đầu tiên họ được trở thành người xứ Nam, xứ Đông, xứ Bắc, xứ Đoài, được tham gia, được xem, được nghe và được hiểu hơn về Tết Việt.
Đoàn dâng lễ tiến vào đình với trang phục áo dài truyền thống.
Trong sự kiện này có lễ dựng cây nêu. Theo truyền thống, cây nêu được dựng vào ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng từ ngày này cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội lẻn về quấy nhiễu.
Ngày dựng cây nêu (gọi là lên nêu) là 23 tháng Chạp. Ngày 7 tháng Giêng âm lịch là ngày làm lễ dỡ cây nêu xuống (ngày hạ nêu).
Đại sứ Phạm Sanh Châu - Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề UNESCO - cũng tham dự chương trình này. Ông dành nhiều tâm huyết, mong muốn tôn vinh và quảng bá áo dài cổ truyền nói chung và của nam giới nói riêng, xuất phát từ nhu cầu lựa chọn trang phục phù hợp trong công tác đối ngoại, những sự kiện quan trọng tại Việt Nam.
Phía bên trái ngôi đình, nghệ nhân Nguyễn Đức Hòa vẽ tranh Kim Hoàng - một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 của làng Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội). Tranh Kim Hoàng in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu.
Một điểm đặc biệt mà các dòng tranh dân gian khác không có là những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh.
Các bé gái diện trang phục áo nâu, chít khăn mỏ quạ giúp nhiều người liên tưởng về Tết xưa.
“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ…”. Người viết thư pháp, cho chữ không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bức thư pháp với dòng chữ “Mã đáo thành công”.
Hát cửa đình là một phong tục có từ lâu đời, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hóa cộng đồng làng xã khi xưa, nhưng nay đã mai một nhiều.
Ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng Ban tổ chức Tết Việt 2017 - cho biết quyết định lấy ngôi đình là trung tâm, nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã với nhiều nghi thức cầu mong một năm mới tốt lành.
Hiện nay, đình (hay được biết đến phổ biến hơn là đền) chuyên chỉ thờ cúng, nhưng gốc rễ của đình là nhà hát dân gian, điều mà ít người biết đến. Việc trùng tu đình làng đã được đẩy mạnh, tuy nhiên những giá trị phi vật thể chưa được chú trọng. "Nhóm mong muốn góp một phần nào đó để khơi dậy giá trị tinh thần của đình làng Việt” - ông Bình nói.
Cũng trong hôm qua, các tiết mục hát then đã được trình diễn trong đình So.
Những nghệ nhân tham gia biểu diễn còn rất trẻ.
Hát quan họ cũng được diễn xướng.
Các cụ cao tuổi ngồi chơi tổ tôm. Đây là một trong những trò chơi không thể thiếu mỗi dịp Tết xưa.
Bước vào một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, hình ảnh gói bánh chưng với lá dong, đỗ xanh, thịt mỡ, gạo nếp như nhắc Tết đang đến rất gần.
Sau khi gói xong, bánh được luộc trong vòng 12 tiếng. Nồi bánh luôn cần người túc trực để thêm củi, nước.

Tác giả bài viết: Quỳnh Trang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP