Tin địa phương

Tăng cường giữ rừng

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Quảng Bình trong việc duy trì độ che phủ rừng (trên 68%), là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý Quảng Bình và các tỉnh, thành phố có rừng khác cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là những tháng cuối năm.

Đến nay, hàng trăm nghìn ha rừng của Quảng Bình đã được giao khoán bảo vệ theo kế hoạch. Trong đó, giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ là hơn 61.800 ha, rừng đặc dụng là 54 nghìn ha, khoán bảo vệ rừng theo Chương trình 30a của Chính phủ tại huyện Minh Hóa 34,6 nghìn ha, bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất theo Đề án 2242 của các công ty Long Đại và Bắc Quảng Bình là hơn 84 nghìn ha.

Đến thời điểm hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố, các chủ rừng đã hoàn tất việc giao khoán bảo vệ rừng theo quy định, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao.
Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh kết quả của việc giao khoán bảo vệ rừng là bởi một khi người dân, các chủ rừng xác định rõ quyền sở hữu và lợi ích của mình đối với diện tích rừng được giao bảo vệ, họ sẽ tự nâng cao trách nhiệm của mình hơn.

Bởi, thực tế nhiều năm qua cho thấy, hầu hết những diện tích rừng bị khai thác trái phép đều đang trong tình trạng “nhập nhằng” phân định chủ sở hữu, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Giống cây lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công tác phát triển rừng.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngay từ đầu năm nay, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu lập kế hoạch cụ thể bằng việc dừng công tác cải tạo rừng để đánh giá hiệu quả kinh tế, môi trường; không chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su hoặc mục đích sử dụng khác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai rà soát chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất; điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025 định hướng đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đúng kế hoạch, đồng thời, xây dựng Quỹ bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh để thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, giảm gánh nặng nâng sách Nhà nước chi cho bảo vệ rừng.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ rừng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị đã lập và duy trì đoàn liên ngành kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Lực lượng chức năng đã tích cực phối hợp với chủ rừng lập chốt, thường xuyên canh gác tại thực địa để giám sát người vào rừng và bảo vệ rừng tận gốc.

Thống kê từ đầu năm đến nay, đoàn liên ngành các huyện, thị xã, thành phố và chủ rừng đã thực hiện 39 đợt kiểm tra rừng tại các địa bàn trọng điểm giàu tài nguyên, như: xã Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh), Lâm Thủy, Kim Thủy (Lệ Thủy), Hương Hóa, Thanh Hóa (Tuyên Hóa), khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, khu vực giáp biên giới Việt – Lào... Việc quản lý các cơ sở chế biến lâm sản, quản lý động vật hoang dã cũng đã được lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng thực hiện khá tốt.

Với 353 cơ sở chế biến lâm sản hiện có của toàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm xưởng xẻ sơ chế, tăng chế biến tinh gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ để nâng cao giá trị gia tăng. Mặt khác, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến tại các cơ sở nhằm phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý và ngăn chặn việc bẫy, bắt, vận chuyển động vật hoang dã.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ, để thực hiện tốt công tác phát triển rừng, việc xác định giống cây lâm sản là rất quan trọng, bởi nó quyết định năng suất cũng như chất lượng các diện tích rừng trồng. Để làm tốt việc này, Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp tập huấn, tuyên truyền hoạt động sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp theo đúng quy trình kỹ thuật phù hợp với địa bàn.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2017, tỉnh ta sẽ có thêm 5 nghìn ha diện tích rừng trồng mới; trong đó, trồng rừng phòng hộ 795 ha, rừng sản xuất 4.200 ha. Để chuẩn bị cho việc trồng rừng, các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gieo ươm hơn 13 triệu cây giống các loại; đồng thời ký kết hợp đồng cung ứng cho các dự án và chủ rừng để trồng rừng theo kế hoạch.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, tỉnh ta xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong những tháng cuối năm, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trước mắt là khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất lâm nghiệp; triển khai trồng rừng theo kế hoạch, chăm sóc rừng trồng, nâng cao hiệu quả khoán bảo vệ rừng; tăng cường ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, giải pháp được đưa ra là sẽ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng để nâng cao ý thức giữ rừng cho các chủ rừng và người dân; chủ động nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các chủ rừng và chính quyền địa phương trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trên cơ sở xác định các địa bàn trọng yếu về nạn khai thác lâm sản trái phép, những tháng cuối năm nay, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường chốt chặn các đầu mối giao thông quan trọng và một số khu vực rừng xung yếu ven rừng, trong rừng.

Đồng thời, thường xuyên tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường bộ, đường sông, chú trọng tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường 12A, tuyến sông Gianh, sông Long Đại để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; hướng dẫn các chủ rừng, địa phương tích cực vệ sinh rừng và trồng dặm, trồng lại rừng, sửa chữa các vườn ươm để sớm phục hồi sản xuất sau bão.

Tác giả: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP