Xã hội

Tăng ca không có tiền, hơn 500 công nhân may đình công

Ngày 16/10, hơn 500 công nhân may công ty U World sports Việt Nam đã đồng loạt nghỉ việc, tập trung trước cổng công ty.

Họ kiến nghị đòi quyền lợi về việc làm thêm ngoài giờ tăng ca và các khoản phụ cấp khác đều không được phía công ty chi trả.

Hơn 500 công nhân may đã đình công đòi quyền lợi của mình

Theo phản ánh của công nhân làm việc ở công ty, người lao động làm việc ở đây, mỗi ngày sau 8 tiếng làm việc bình thường, còn bị ép làm tăng ca thêm 3 giờ đồng hồ, chủ nhật vẫn phải làm việc bình thường (ngày lễ 2/9 vẫn phải đi làm). Nếu công nhân không làm tăng ca thì bị lập biên bản và sau 3 lần lập biên bản thì bị đuổi. Nhưng khi tính lương, phía công ty lại không trả số tiền tăng ca này.

Đặc biệt, theo hợp đồng người lao động nhận lương cơ bản 2.9 triệu đồng và các khoản phụ cấp khác. Nhưng hơn 1 tháng nay, phía công ty đã tự ý thay đổi hợp đồng, bằng cách tính lương theo sản phẩm, nếu công nhân không làm đủ định mức tiền sản phẩm thì phải bù tiền và không được nhận được tiền tăng ca và các khoản phụ cấp khác. “Công ty đã tự ý thay đổi cách tính lương làm chúng tôi thiệt hại lớn, ép chúng tôi làm việc tăng ca nhưng không tính tiền lương. Đi làm trễ 1 phút, bị phạt đến 50 nghìn, trong khi các khoản phụ cấp khác cũng cắt hết”, một công nhân bức xúc nói...

Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhận được thông tin, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã xuống làm việc với lãnh đạo công ty, đồng thời phía công ty đã vận động toàn bộ công nhân đình công vào bên trong để đối thoại.

Tại buổi trao đổi, nhiều công nhân đã nêu ra nhiều bức xúc về cách tính lương, các khoản trợ cấp không được nhận. Đặc biệt phía công ty đã tự ý thay đổi cách tính lương mới, với các ban ngành trong tỉnh và đại diện phía công ty.

Công nhân may trao đổi với các ban ngành chức năng và đại diện phía công ty

Sau khi nghe ý kiến của công nhân, bà Cao Thị Trâm, đại diện của công ty đã hứa với phía công nhân sẽ tính lương theo như hợp đồng đã ký và tham mưu với lãnh đạo công ty để đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với người lao động.

Tác giả: Hồng Bằng

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP