Kinh tế

Tạm ngừng giao dịch 17 công ty vì “không chịu” minh bạch thông tin

Sau khi “bêu tên” danh sách 32 doanh nghiệp chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 thì Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức thông báo về việc tạm ngừng giao dịch với 17 doanh nghiệp do vẫn “chây ỳ”.

Hàng trăm mã cổ phiếu đang giao dịch trên sàn UPCoM (bảng giá SSI)

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc tạm ngừng giao dịch trên hệ thống UPCoM đối với cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017.

Theo đó, trên sàn này vẫn còn tới 17 doanh nghiệp chậm công bố báo cáo tài chính quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp bị tạm ngừng giao dịch. Thời gian tạm ngừng giao dịch từ ngày 23/5 đến ngày 25/5/2018 (3 phiên giao dịch).

Sở GDCK Hà Nội cho biết sẽ có thông báo cho phép cổ phiếu thuộc danh sách này được giao dịch trở lại bình thường khi tổ chức đăng ký giao dịch thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017.

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin, hết hạn tạm ngừng giao dịch Sở sẽ xem xét áp dụng hình thức hạn chế giao dịch đối với tổ chức đăng ký giao dịch.

Cách đây không lâu, Sở GDCK Hà Nội cũng đã “bêu tên” danh sách 32 doanh nghiệp chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 (quá 30 ngày so với thời hạn quy định). Như vậy, có 15 doanh nghiệp đã kịp thời nộp báo cáo trước thời hạn 45 ngày và tránh được việc bị tạm ngừng giao dịch trên sàn.

Trong danh sách buộc tạm ngừng giao dịch lần này có những cái tên khá quen thuộc như CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (CMN); CTCP Công nghiệp – Thương mại Hữu Nghị (FTI); CTCP Rượu Hapro (HAV); Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (HAN); CTCP Sông Đà 3 (SD3); CTCP Viglacera Hà Nội (VIH)…

Đến nay, thị trường UPCoM đã có gần 9 năm đi vào hoạt động và chứng kiến sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trong khoảng vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, do yêu cầu “thoáng” hơn về tiêu chuẩn lên sàn của doanh nghiệp, do đó, mức độ minh bạch của UPCoM so với hai sàn chính là HSX và HNX vẫn còn hạn chế.

Sau vụ việc chấn động với cổ phiếu MTM cách đây 2 năm, nhà quản lý đã công bố thêm hai bảng giao dịch trên sàn UPCoM để tăng tính minh bạch cho thị trường này.

Cụ thể, bảng UPCoM chất lượng cao (UPCoM Premium) bao gồm các doanh nghiệp thỏa mãn được những tiêu chí về quy mô, năng lực kinh doanh, có thanh khoản và tương đối tuân thủ việc công bố thông tin theo quy định.

Còn bảng cảnh báo nhà đầu tư bao gồm các doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch (chỉ giao dịch vào thứ Sáu) hoặc tạm ngừng giao dịch vì những lý do như không tìm được trụ sở chính, không liên lạc được hoặc những doanh nghiệp bắt buộc bị hủy giao dịch trên sàn HSX và HNX do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin phải chuyển xuống UPCoM.

Chính vì vậy, doanh nghiệp “lên sàn” có thể vẫn dễ dàng nhưng không hẳn là tùy tiện ứng xử trong vấn đề minh bạch. Và nhà đầu tư cũng không dễ “mắc lừa” như trước.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP