Các học viên đầu tiên đăng ký theo học tại Học viện eSports của Singapore tràn đầy hy vọng về khả năng tồn tại độc lập và phát triển của "nghề" game thủ. Nhiều người trong số họ muốn trở thành game thủ chuyên nghiệp.
"Tôi thấy rất nhiều game thủ chuyên nghiệp và tôi thấy cách họ làm việc như một đội. Họ ở cùng nhau, sống cùng nhau và đào tạo cùng nhau. Họ bay đi đây đó, thi đấu và phô diễn kỹ thuật cũng như tài năng", Arthur Tan Suun Tzor, một học viên của Học viện eSports bộc bạch.
Các bậc phụ huynh từng phản đối kịch liệt những kỹ năng như trên. Song, thái độ của họ đang dần thay đổi.
Hội Thanh niên Singapore cũng ủng hộ thành lập Học viện. Và 40% game thủ hiện là phụ nữ.
Các cuộc thi vô địch game có thể được tổ chức với những giải thưởng lớn, cùng những hợp đồng tài trợ "khủng". Song, sự nổi tiếng cũng không đảm bảo được tương lai. Ngay cả chuyên gia đào tạo họ cũng phải từ bỏ việc thi đấu game chuyên nghiệp.
Ruth Lim, một cô giáo đào tạo game tiết lộ: "Tôi từng là một game thủ triển vọng. Rồi tôi nhận thấy mình giỏi tính toán về chiến lược hơn, trong khi phản xạ của tôi lại không nhanh như các game thủ khác. Vì vậy, tôi nghĩ tại sao tôi lại không sử dụng những gì mình có để đào tạo thêm nhiều game thủ nữa".
Cựu vô địch game thủ của Singapore muốn tạo ra việc làm cho những game thủ mới và cũ.
"Ngoài các game thủ chuyên đi thi đấu, chúng ta còn có nhiều vị trí hỗ trợ hơn. Các bình luận viên sẽ là những chuyên gia giúp cho trận đấu trở nên hấp dẫn. Các nhà sản xuất sự kiện, huấn luyện viên, chuyên gia đào tạo đều giữ vai trò trọng yếu", Dennis Ooi, giáo sư Trung tâm đào tạo Các môn thể thao ảo và game trực tuyến, cho biết thêm.
Chỉ có 3% game thủ giành chiến thắng ở các cuộc thi. Bất chấp điều đó, các học viên đều lao vào chơi game với hy vọng thắng cuộc.
Tác giả: Tuấn Anh (theo BBC)
Nguồn tin: Báo VietNamNet