|
Như Dân trí đã phản ánh, Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an vừa quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ (thường gọi là Vũ “nhôm”) với tội danh Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 263 Bộ luật Hình sự. Ông Vũ “nhôm” cũng đã bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã sau khi xác định ông không có mặt tại nơi cư trú, số 82 Trần Quốc Toản, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Từ đây nảy sinh nhiều thắc mắc trong dư luận: Vì sao một doanh nhân, đại gia bất động sản như ông Vũ “nhôm” lại bị khởi tố về tội này?
Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng luật An Phát Phạm (Hà Nội) cho biết, Điều 263 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về “Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước”:
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 (tội gián điệp) của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo luật sư Phất, “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” có thể được hiểu là hành vi cố ý để cho các bí mật nhà nước bị tiết lộ ra bên ngoài (dùng lời nói, chữ viết, miêu tả, kể lại, cho người khác xem tài liệu ...).
Thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cả 4 tội quy định tại Điều 263 (tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt bí mật nhà nước; tội mua bán bí mật nhà nước; tội tiêu hủy bí mật nhà nước) đều xâm phạm đến sự an toàn của bí mật nhà nước, xâm hại đến an ninh quốc gia, an toàn về đối nội cũng như đối ngoại của đất nước.
Theo Pháp lệnh số 30/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bảo vệ bí mật nhà nước (sau đây gọi tắt là “Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước”) thì “Bí mật nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung tin, mức độ nguy hại nếu bị tiết lộ, các tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được chia làm ba mức độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật (Điều 4 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước).
Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép bí mật nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch nhà nước.
Người nào vi phạm các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 20 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước).
Tuy vậy, luật sư Phạm Văn Phất cho rằng, đến nay chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về tính chất, mức độ vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước như thế nào thì bị xử lý vi phạm hành chính, khi nào thị sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và thế nào thì được coi là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM phân tích, Cố ý làm lộ bí mật nhà nước là làm cho người khác biết được bí mật bằng mọi hình thức (lời nói, chữ viết, hình vẽ…). Tội phạm hoàn thành khi người thứ hai không có trách nhiệm biết được bí mật đó.
Luật sư Hậu khẳng định, chủ thể của tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước là người có trách nhiệm quản lý bí mật nhà nước, nhưng cũng có thể là người dân bình thường như người bỏ tiền ra để trao đổi, mua bán thông tin bí mật nhà nước nhằm trục lợi…
“Phải bắt được Vũ “nhôm” thì mới biết được bí mật nhà nước đó có được mua - bán hay không, truy ngược lại tại sao lại có được tài liệu này?. Và hơn hết sẽ làm rõ được việc ai đã thông báo để Vũ “nhôm” biết đường bỏ trốn trước thời điểm bị khởi tố như vậy?”- luật sư Hậu phân tích.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí