Giáo dục

Tại chức – chính quy, ai hơn ai?

Ở ta, người học tại chức phần nhiều là học sinh vừa tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thành phần con ông cháu cha, lắm bạc, nhiều tiền.

LTS: Chất lượng đào tạo tại chức từ lâu đã mất dần vị thế và uy tín trong ngành Giáo dục.

Nhiều người cho rằng đây là con đường cơ hội cho những người không có thực học vẫn được lấy bằng, làm gia tăng bệnh thành tích, chạy chọt bằng cấp trong thi cử.

Hãy nghe thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (giáo viên trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Ngãi) lý giải về việc tại sao ở ta, hình thức học này lại không còn đáp ứng được xu thế phát triển của thời đại?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Hiện nay, trong các văn bản của Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương có quy định, công, viên chức bằng tại chức, chuyên tu sẽ không đưa vào quy hoạch, xem xét, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo.

Trước đó, có địa phương ban hành quy định không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc các cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn, từng gây xôn xao dư luận.

Để được quy hoạch, xem xét, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, nhiều người thuộc diện trên phải đua nhau đi học Thạc sĩ.

Từng tham gia bỏ phiếu quy hoạch cán bộ nguồn cho địa phương, tôi thấy số công, viên chức độ tuổi dưới 40 (bằng Thạc sĩ) có tên trong danh sách quy hoạch nguồn, xuất phát điểm là bằng tại chức, chuyên tu khá nhiều.

Có nhiều ý kiến, hoàn toàn đồng tình với những quy định, khống chế như vậy. Vì chất lượng đào tạo sinh viên, cán bộ hệ tại chức của chúng ta chưa đạt yêu cầu.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho hệ tại chức ở nhiều nơi còn thiếu thốn, tạm bợ.

goa
Nam Định quyết chỉ tuyển công chức học trường công lập (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Đội ngũ giảng viên thường là thỉnh giảng, thiếu nhiệt tâm, có biểu hiện dễ dãi, xuê xoa trong đánh giá, cho điểm học viên.

Thực tế, các năm qua, việc đào tạo tại chức đã “phá rào” ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào, lấy học sinh vừa tốt nghiệp Trung học Phổ thông nhưng không đỗ Đại học vào học là chủ yếu, chứ không phải là những học viên tại chức.

Cũng không phải các trường Đại học trực tiếp phụ trách công việc tuyển đầu vào và tổ chức đào tạo, mà phần lớn các Trung tâm giáo dục thường xuyên ở các địa phương đảm nhiệm công việc này với danh nghĩa “liên kết” với trường Đại học, cho nên không bảo đảm chất lượng.

Hơn nữa, ý thức, thái độ học tập của nhiều sinh viên, cán bộ hệ tại chức còn bộc lộ nhiều hạn chế, đi học thì ít nghỉ học thì nhiều. Đáng buồn, có cả tình trạng thuê người đi học thay, hơn nữa, thời gian học tại chức chỉ bằng 1/3 so với học chính quy.

Khi làm việc, phần lớn sinh viên, cán bộ học tại chức thường kém xa sinh viên, cán bộ được đào tạo bài bản, chính quy về mọi mặt... do đó, trong dân gian đang tồn tại một câu nói có vần mang tính chất coi thường đối tượng những người học hệ này: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”.

Nhưng cũng không ít ý kiến lại ra sức “bảo vệ” cho hệ tại chức, “nói không với tại chức” hoặc phân biệt đối xử với hệ tại chức như vậy là không công bằng.

Bởi lẽ, hệ tại chức cũng có tính pháp quy, được Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận. Nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì và phát triển loại hình đào tạo này.

Học tại chức là tạo điều kiện cho những sinh viên, công, viên chức trước đây không đỗ Đại học hay một lý do nào đó phải đi làm, được tiếp tục vừa học vừa làm , để nâng cao trình độ.

Có những người học tại chức còn học giỏi và làm tốt hơn những người học chính quy. Quan trọng gì chuyện bằng cấp, chính quy hay tại chức, cái chính là ở năng lực, trình độ thực tiễn qua công việc.

Hai luồng ý kiến nêu trên đều có lý riêng của mình.

Song từ quy định riêng của các địa phương, đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề rất đáng lo ngại về cách đào tạo hệ tại chức và cách đánh giá cán bộ, công viên chức của ta hiện nay.

Tại sao hệ tại chức ở các nước vẫn duy trì và phát triển tốt, không có sự phân biệt giữa người học tại chức và người học chính quy? Bởi vì các điều kiện trường lớp, xét tuyển, cách thức tổ chức đến giảng viên dạy hệ tại chức của họ đều đạt chuẩn cả.

Người đi học hệ tại chức ở họ hầu hết là vừa làm vừa học, với mục đích chính là tự nâng cao trình độ, hiểu biết. Còn ở ta thì người học phần nhiều là học sinh vừa tốt nghiệp Trung học Phổ thông, trong số đó loại học hành tệ hại, thành phần con ông cháu cha, lắm bạc, nhiều tiền.

Học để cốt có tấm bằng danh nghĩa rồi vào cơ quan Nhà nước, sớm muộn rồi cũng lên quan. Vả lại, thực tế tổ chức, học tập ở các lớp tại chức ở ta thì vô cùng lỏng lẻo, yếu kém, đúng như loại ý kiến thứ nhất đã nêu.

Hệ lụy tiếp theo là sản phẩm đào tạo ra, phần lớn không đạt yêu cầu, như vậy, các cơ quan của Đảng và Nhà nước khác “cấm cửa” với sinh viên, công, viên chức học tại chức là có cơ sở thực tế của nó.

Nhìn rộng, chúng ta thấy, ở nước ngoài và các công ty nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, không quan trọng bằng cấp này nọ mà coi trọng thực lực, trình độ, khả năng, hiệu quả làm việc của người lao động, đội ngũ cán bộ.

Những ai không đạt yêu cầu thì tự đào thải và bị đào thải ngay.

Nhiều người cũng mong muốn, kỳ vọng nền giáo dục và xã hội ta sẽ loại bỏ dần tư tưởng quá coi trọng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo chính mà tiến tới đánh giá bằng thực người, thực việc.

Các quy định, tiêu chuẩn đánh giá, phân loại về năng lực, trình độ, phẩm chất... cán bộ Nhà nước được ban hành và triển khai rộng rãi.

Một số đơn vị, giới lãnh đạo đã làm tốt, công việc, chất lượng cán bộ có chuyển biến. Nhưng nhiều nơi, nhiều đơn vị Nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ, không triển khai được việc đánh giá thực người, thực việc.

Có mấy ai năng lực, trình độ yếu kém, chẳng làm được việc gì, bị lãnh đạo, cơ quan buộc thôi việc đâu, trừ tự nguyện hoặc bị kỉ luật nặng liên quan đến tài chính, tham nhũng?

Làm đúng, làm căng ra, đụng đến người này, người nọ, nhất là loại con ông cháu cha rất khó xử. Tốt nhất là dĩ hòa vi quý, xuê xoa, dễ dãi hết cho rồi.

Cuối năm đánh giá, bình bầu, dường như không có ai là không đạt. Cái lối làm việc duy tình, ngại đụng chạm... khá phổ biến của cán bộ lãnh đạo, là căn nguyên chính khiến chúng ta không đánh giá, phân loại, sàng lọc được cán bộ trong cơ quan Nhà nước.

Tính cấp thiết của vấn đề tinh giản biên chế được đặt ra, gần đây có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, các quy định cụ thể của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các địa phương, ngành nghề trước một bộ máy công quyền quá cồng kềnh (gần 3 triệu người) nhưng lại làm việc kém hiệu quả, không đạt yêu cầu của công viên, song đến nay công tác tinh giản biên chế vẫn chưa đạt tiến triển tốt theo kế hoạch đề ra.

Phải chăng gốc rễ do chủ nghĩa duy tình, tư tưởng cả nể và những mối quan hệ, lợi ích khác chi phối, cản trở?

Thiết nghĩ, chúng ta cần tiếp tục duy trì và phát triển hệ học tại chức, nhưng với điều kiện, yêu cầu cấp thiết đặt ra, là nó phải "lột xác", phải thực sự đổi mới, không thể để tình trạng lâu nay tồn tại được.

Vì vậy, muốn khắc phục tình trạng chất lượng của bằng đào tạo tại chức không bảo đảm chất lượng thì cần xiết chặt các khâu tuyển sinh và đào tạo đúng quy chế.

Còn không nên tự tiện đưa ra quy định không tuyển dụng hoặc không xem xét, bổ nhiệm những người có bằng cấp tại chức vì điều đó vừa trái với pháp luật vừa sai trong cách ứng xử theo kiểu “vơ đũa cả nắm”.

Suy cho cùng thì tấm bằng (dù là bằng tại chức) tự nó không có lỗi mà lỗi phát sinh từ cách thức tuyển dụng cán bộ, công chức.

Chúng ta cần củng cố, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền, hành chính, sự nghiệp các cấp, các ngành về công tác sử dụng cán bộ và đánh giá cán bộ.

Khâu giám sát, kiểm tra của cấp trên về việc thực hiện của cấp dưới ở các khâu tuyển dụng, đánh giá, phân loại, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ phải thường xuyên và thật sự nghiêm túc trên cơ sở đồng bộ, thống nhất, công khai các quy định, tiêu chuẩn cụ thể, khách qua, khoa học, phù hợp.

Làm tốt hai khâu: đào tạo và sử dụng, đánh giá cán bộ thì mới hy vọng giảm dần tư tưởng coi trọng bằng cấp và không còn chuyện phân biệt bằng cấp chính quy và tại chức.

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP