Thế giới

Syria bị kiện vì ‘ám sát’ nhà báo nữ Marie Colvin

Vào lúc quan hệ Mỹ-Nga căng thẳng vì nghi án Nga đầu độc cha con cựu điệp viên phản Nga Sergeil Skripal ngày 4.3, cùng cáo buộc Syria lại tấn công hóa học vào dân thường ngày 7.4, gia đình nhà báo nữ Marie Colvin đâm đơn kiện chính phủ Syria âm mưu ám hại các nhà báo nước ngoài đưa tin về nội chiến Syria đẫm máu kéo dài 8 năm qua.

Nhà báo Marie Colvin - Ảnh: AP

Theo báo Guardian ngày 9.4, đây là đơn kiện chính phủ Tổng thống Bashar Al-Assad phạm tội ác chiến tranh đầu tiên được gởi đến Tòa án liên bang Mỹ.

Chính phủ Syria từ chối làm việc với tòa án Mỹ về nghi án ám hại nhà báo Colvin. Năm 2016, Tổng thống Syria trả lời một cuộc phỏng vấn truyền hình, nói bà Colvin phải tự chịu trách nhiệm về cái chết của bà, vì bà lẻn vào Syria và làm việc với “bọn khủng bố”.

Đơn kiện nhắc lại việc nhà báo Mỹ Colvin-đặc phái viên của tờ Sunday Times (Anh) được các đồng nghiệp ca ngợi là phóng viên chiến trường xuất sắc nhất trong thế hệ của bà.

Tờ báo Anh còn cho biết một số chứng cứ đã được thu thập trong 6 năm, kể từ sau ngày bà Colvin chết đã được trình tòa, gồm vidéo quay thời điểm cuối cùng của bà, gần 200 tài liệu quân sự mật và lời khai của một sĩ quan tình báo Syria đào ngũ, người khai rằng các nhà báo Mỹ bị chế độ Assad theo dõi, thông qua tín hiệu điện thoại vệ tinh của họ. Hoạt động theo dõi này nhằm ngăn chặn bà Colvin đưa tin chiến sự.

Luật sư của gia đình Colvin còn nêu trong một bức fax tháng 8.2011, Ủy ban an ninh quốc gia Syria chỉ đạo các đơn vị an ninh tổ chức chiến dịch quân sự-tình báo “chống lại những kẻ bôi bác uy tín Syria thông qua các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài”.

Các tài liệu khác cho thấy Ủy ban xử lý khủng hoảng trung ương (một đơn vị chiến tranh đặc biệt do Tổng thống Assad lập) đã theo dõi hoạt động của bà Colvin từ Lebanon vượt biên giới vào Syria. Gia đình bà nói đó là chứng cứ cho thấy quan chức cấp cao nhất trong chính phủ đã chọn bà Colvin làm mục tiêu ám sát.

Sư đoàn 4 bộ binh Syria-do em trai Maher của Tổng thống Assad chỉ huy-đã truy vết vị trí của bà Colvin, nhờ bám theo tín hiệu điện thoại vệ tinh của bà, xác minh được ai là người cung cấp thông tin tại chỗ cho bà.

Lực lượng này đã nhận định tòa nhà ở thành phố Homs được dùng làm trung tâm truyền thông dã chiến, để nhóm nhà báo nước ngoài thu thập thông tin về chuyện quân đội Syria bao vây thành phố và bắt dân thường chịu đói.

Tiếp đó, Vệ binh Cộng hòa Ả Rập Syria và quân đặc nhiệm phối hợp với biệt đội tử thần bán quân sự Shabiha pháo kích vào ngôi nhà.

Ngày 22.2.2012, nhà báo Colvin người Mỹ-đặc phái viên của tờ Sunday Times (Anh) và phóng viên ảnh Remi Ochlik (người Pháp) chết vì trúng tên lửa ở một trung tâm thông tin dã chiến ở thành phố Homs (Syria) lúc đó bị quân nổi dậy chiếm và bị quân đội Syria bao vây.

Đơn kiện viết: “Ngày 22.2.2012, Colvin bị quân chính phủ Cộng hòa Ả Rập Syria giết chết, vào lúc nạn nhân đưa tin về sự đau thuơng của người dân ở quận Baba Amr. Hành động nham hiểm và cố tình của chế độ này đã trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế, gồm giết người không xét xử”.

Phóng viên ảnh Paul Conroy (Anh), nhà báo Pháp Edith Bouvier và người phiên dịch Wael al Omar(Syria) cũng bị thương vì quả rocket, trong khi 9 dân thường Syria khác chết trong vụ này.

Các thông tin tình báo khác còn cáo buộc Thiếu tướng Rafiq Shahadah đã nhận những biên bản nghe lén điện thoại giữa các nhà hoạt động ở thành phố Homs và của một người dẫn chương trình thời sự của đài Al-Jazeera. Cáo trạng nêu thông tin này đã được chuyển đến các đơn vị quân với những chỉ đạo “thực hiện các biện pháp cần thiết”.

Đơn kiện đòi chính phủ Syria phải bồi thường 300 triệu USD, và đề nghị Tòa án liên bang Mỹ ở thủ đô Washington D.C lên án chính phủ Assad phạm tội ác chiến tranh.

Luật sư của gia đình Colvin đang dựa theo Luật miễn trừ cho các nhà báo nước ngoài của Mỹ. Luật này cho phép các nguyên đơn đâm đơn kiện các chính phủ nước ngoài ra tòa án Mỹ, đòi bồi thường và xử phạt vì những tổn thất mà các chính phủ này gây ra. Theo luật Mỹ, giết người không xét xử thuộc nhóm tội danh phạm tội ác chiến tranh quốc tế.

Báo Independent (Anh) nói các chính phủ nước ngoài thường được miễn trừ trong các vụ kiện dân sự ở Mỹ, nhưng có ngoại lệ đối với các nước bị Bộ Ngoại giao Mỹ xếp vào danh sách các nước tài trợ khủng bố, như Syria.

Theo báo Independent và Guardian, tòa án Mỹ có thể xem xét các chứng cứ mà 10 nhân chứng trình trong đơn kiện, cùng hàng chục tài liệu tình báo được tuồn ra khỏi Syria, mà không phải tiến hành nghe khai báo gì thêm. Trong trường hợp này, tòa có thể ra phán quyết trong vài tháng tới.

Đơn kiện do bà Cathleen, em gái của bà Colvin, lập. Bà Cathleen nói: vụ này cho thấy đã có một nỗ lực được tổ chức kỹ lưỡng, nhắm vào các nhà báo, người dẫn đầu các cuộc biểu tình phản đối, rồi đến người tham gia biểu tình. Thật khủng khiếp. Marie xứng đáng được làm rõ sự thật”.

Tác giả: Bích Ngọc

Nguồn tin: motthegioi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP