Tin địa phương

Sức bật Quảng Bình nhìn từ sự khác biệt

Những tiềm năng và lợi thế riêng, tư duy và cách làm sáng tạo của lãnh đạo chủ chốt chính là cơ sở để tỉnh Quảng Bình có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành vùng đất đáng sống.

Tiềm năng về nắng và gió giúp Quảng Bình phát huy lợi thế, đón dòng vốn lớn từ các dự án về năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Dự án điện gió B&T

Tiềm năng, an toàn và khác biệt

Nhìn từ sự khác biệt, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình từng cho rằng, lợi thế phát triển của địa phương này là những cánh đồng xanh, những cồn cát trắng xóa, dãy Trường Sơn hùng vỹ như bức bàn thạch vững chãi, che chắn cho cả một miền quê hương… “Quảng Bình hội đủ tiềm năng, an toàn và khác biệt”, ông Vũ Đại Thắng nói.

Về “tiềm năng và an toàn”, có lẽ không cần nói quá nhiều, bởi Quảng Bình từ lâu đã được biết đến là một trong những địa phương sở hữu “rừng vàng, biển bạc”, là mảnh đất yên bình, an lành, nơi con người chân thành, gần gũi, hiếu khách.

Khác với nhiều địa phương trên cả nước, Quảng Bình là tỉnh ven biển, dựa lưng vào dãy Trường Sơn, tiếp giáp Lào, hẹp nhất về chiều ngang, có sân bay, có cảng biển, là điểm kết nối tất cả các tuyến giao thông Bắc - Nam và là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây thông qua Cửa khẩu Cha Lo đi xuống cảng Hòn La.

Quảng Bình đã mạnh dạn đi trước trong việc triển khai các nội dung quan trọng về phòng, chống dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới”. Covid-19 sẽ được đối xử theo cách “bình thường mới” phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và yêu cầu đời sống xã hội.

- Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình

Quảng Bình còn là địa phương có đầy đủ hình thái của đồng bằng, trung du, miền núi. Trong đó, vùng đồng bằng chiêm trũng gồm 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, được bồi đắp bởi phù sa của 2 con sông Kiến Giang và Long Đại, từng được người xưa ví von với mảnh đất Đồng Nai về độ màu mỡ, phì nhiêu qua câu: “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện…”.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2021 là một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng.

Theo đó, tỉnh đã giữ vững ổn định kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,83%; tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của giai đoạn 2021-2025; tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội với các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đó là “thành phẩm” từ những tiềm năng và lợi thế kết hợp với tư duy và cách làm sáng tạo của lãnh đạo của tỉnh.

Ngày 22/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Bình xung quanh giải pháp phục hồi kinh tế, kiến tạo đổi mới để giúp địa phương có cái nhìn khách quan hơn trong trạng thái bình thường mới. “Quảng Bình có nhiều cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, có cơ bản những điều kiện cần và đủ để phát triển…”, Thủ tướng phát biểu.

Không riêng Quảng Bình, các tỉnh lân cận khu vực Bắc Trung bộ đều có nhiều khó khăn, như khí hậu khắc nghiệt, chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu… Nhưng Quảng Bình có rất nhiều điều kiện thuận lợi và đặc thù, có rừng, có biển, có đồng bằng, là nơi hẹp nhất Việt Nam, tạo điều kiện để có thể nỗ lực vươn lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển, mảnh đất của mình.

Tỉnh cũng có đầy đủ các loại hình giao thông, có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi (Quốc lộ 1A, 12A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam, sân bay Ðồng Hới, cảng biển Hòn La, Cửa khẩu Cha Lo…). Lãnh đạo Quảng Bình xác định, năm 2022 cũng là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Đại hội Đảng các cấp. Dự báo, tình hình năm 2022 có khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.


Để Quảng Bình cất cánh…

Sự kiện xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021 là hoạt động khởi đầu cho nhiệm kỳ mới, bắt đầu thực hiện mục tiêu được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, đưa Quảng Bình trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ.

“Đây là sự kiện thường niên, cũng là dịp để quảng bá về hình ảnh mới của một Quảng Bình không chỉ có thiên tai bão lũ, mà còn là mảnh đất của phát triển kinh tế, tiềm năng du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp...; là điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn, khác biệt và đáng tin cậy của tất cả các nhà đầu tư”, ông Trần Thắng nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đó là một trong những mấu chốt để địa phương này cất cánh, khi nguồn vốn đầu tư được xác định là “bệ phóng” để bay lên, bay xa… Tỉnh sẽ mở rộng cánh cửa và có cam kết hỗ trợ, tạo hành lang thuận lợi cho các nhà đầu tư…

Hội nghị Xúc tiến đầu tư đầu năm 2021 đã mang về cho tỉnh Quảng Bình 34 dự án với sự hiện diện của 27 nhà đầu tư mới, tổng vốn đăng ký gần 95.000 tỷ đồng (tương đương 4,1 tỷ USD). Từ cơ sở đó, Quảng Bình đã được ghi nhận là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 4,83%, quy mô đạt 44.775 tỷ đồng…

Chuẩn bị tâm thế để thực hiện nhiệm vụ năm 2022 tốt hơn, khắc phục các thách thức, giải quyết mâu thuẫn giữa tiềm năng, lợi thế lớn, nhưng cơ chế chính sách và nguồn lực còn hạn hẹp, hạ tầng đồng bộ, kết nối liên thông còn bất cập…, Quảng Bình đã mạnh dạn đề xuất 19 kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Quảng Bình đề xuất Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030; chuyển đổi công nghệ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2 để phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26; bổ sung các dự án năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII; đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Đồng Hới); bổ sung và sớm triển khai một số dự án giao thông trên địa bàn tỉnh...

Quảng Bình phát triển hạ tầng chiến lược để tăng cường kết nối vùng, chú trọng hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; chú ý kết nối các khu du lịch; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hiện đại. Song song với phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, tỉnh sẽ tập trung mời gọi các nhà đầu tư chiến lược của thế giới, khu vực và trong nước để tối ưu hóa những lợi thế của tỉnh, biến du lịch thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Vũ Đại Thắng nhìn nhận, những kết quả đạt được của Quảng Bình trong năm 2021 cho thấy bài học kinh nghiệm về sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn tỉnh; về sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương; về những quyết sách đúng đắn trên cơ sở bám sát thực tế; về sự tranh thủ hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhất là trong triển khai các dự án trọng điểm, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Năm 2022, dự báo tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình xác định, việc thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2022 có ý nghĩa tạo đà cho sự tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Do đó, Quảng Bình đặt mục tiêu trong năm 2022, GRDP đạt 6-6,5%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 26.000 tỷ đồng…

Tác giả: Hương việt

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP