Chị Linh Lam, 29 tuổi, là một cây viết tự do đang sống ở Hà Nội cùng với chồng và ba con. Trong 6 năm hôn nhân, đã rất nhiều lần Lam muốn bỏ chồng, ly hôn vì cảm thấy bế tắc khi không được quan tâm, yêu thương đủ.
Chồng tôi trước đây là một người cộc cằn, vô tâm, không bao giờ để ý đến cảm xúc của vợ. Ban đầu tôi quằn quại trong đau khổ vì cảm thấy không được anh yêu thương. Nhưng sau này tôi nhận ra bản chất của mọi vấn đề lại nằm ở chính mình. Và tôi đã quyết tâm thay đổi. Dần dần, anh lãng mạn hơn, biết cách quan tâm đến người khác hơn, luôn chân thành đáp lại mọi buồn vui của vợ. Giờ thì anh thường nói cuộc sống của anh chỉ xoay quanh trọng tâm là bốn mẹ con tôi.
Và đây là những đúc kết của tôi trên hành trình thay đổi mình:
Tin vào bản thân
Ngày tôi gửi tin nhắn "Anh ơi, em có thai rồi" lần thứ 3 cũng đánh dấu một mâu thuẫn lớn nhất từ trước đến nay giữa hai đứa. Anh ngay lập tức phi xe về quát lớn "Em có bị sao không?" khi tôi kiên quyết giữ cái thai.
Tôi hoàn toàn hiểu được sự bức xúc của anh. Bởi khi ấy, chồng tôi là đảng viên, sinh con thứ 3 có thể khiến anh không ngóc đầu lên nổi. Thời điểm ấy, tôi cũng vừa nghỉ việc. Hai đứa con 4 tuổi và 2 tuổi, riêng chỉ lo tiền học và sinh hoạt hàng tháng đã là gánh nặng.
Tôi đã nhất mực giữ niềm tin, thuyết phục chồng rằng mọi chuyện sẽ có cách giải quyết. Và không đôi co nhiều, tôi dùng hành động để chứng minh. Mỗi ngày tôi đều làm việc online, dịch bài, viết lách, liên hệ khắp mọi nơi để cộng tác. Tôi vẫn đảm bảo một cuộc sống ổn định cho gia đình với những bữa cơm ngon, con cái được đưa đón đến nơi đến chốn.
Đến lúc thai nhi 3 tháng, chồng đã không còn hỏi về khi nào phá nữa. Tháng thứ 5, anh thông báo cho ông bà nội và bị mắng hơn 1,5 tiếng đồng hồ. Khi anh đã chấp nhận việc có con rồi thì ai nói gì cũng không thay đổi được. Thậm chí sau này, chồng tôi còn háo hức với con chào đời hơn cả tôi. Lúc ấy tôi càng thấm thía sâu sắc tin vào bản thân mình có thể ảnh hưởng tích cực lên người khác.
Linh Lam khoe giờ đây có thể yên tâm đi chơi cùng các cô bạn thân, ở nhà đã có chồng chăm ba con chu đáo. Ảnh: NVCC. |
Gieo yêu thương, gặt yêu thương
Một hôm đến nhà cô em gái chơi, bỗng nhiên chồng tôi quay sang cáu gắt với tôi một câu. Về nhà, tôi suy nghĩ rất lâu. Tôi tự hỏi chồng mình vì đâu từ một người rất hiền lành, chẳng bao giờ biết quát vợ thì sao bây giờ lại trở nên hay cau có như thế? Và rồi, tôi nhận ra bản chất của vấn đề: Anh học tính xấu từ tôi.
Những năm đầu hôn nhân tôi luôn cau có với anh, có thể cằn nhằn anh bất cứ nơi đâu như muốn thể hiện uy quyền của mình, kiểu như cứ ra vẻ dễ dàng bắt nạt được chồng. Tôi quát anh khi anh làm đổ cốc nước, khi anh làm con khóc, khi về muộn, thậm chí khi đùa vô duyên làm tôi khó chịu... Tôi không thể ngờ được, tất cả những tính xấu của mình cũng đã thấm vào anh từ khi nào không hay và đến ngày anh trả ngược lại tôi.
Từ đó tôi nghiêm khắc kiểm điểm lại bản thân và sửa đổi, nếu muốn hưởng thái độ tốt đẹp từ người đối diện thì phải dành cho họ một thái độ tốt đẹp.
Tôi bắt đầu bỏ dần đi những gắt gỏng với chồng, gieo vào những yêu thương lãng mạn. Tôi rủ chồng cùng đi mua cây, mua hoa, cùng dọn dẹp lại các góc tổ ấm, thuyết phục chồng biến ban công bừa bộn thành một nơi có thể nhẩn nha uống trà mỗi tối... Thay vì quát anh vì sự cẩu thả, vô tâm, tôi sẽ thủ thỉ rằng mình thích có người làm cho thế này, ước gì có ai giúp cho cái kia. Thấy cái gì hay, cái gì đẹp, tôi nửa thật bảo: "Sau này anh muốn tặng quà em thì nhớ đến món này, hay nơi này nhé!".
Dần dần, chồng tôi trở thành một con người lãng mạn hơn từ khi nào không hay. Anh tặng đúng những món quà vợ thích, làm được những điều khiến vợ cảm kích...
Tôi cũng thay đổi cách nhìn vào những tật xấu của chồng, chỉ khen ngợi khích lệ những điểm mạnh của anh, đặt mình vào trong hoàn cảnh của anh để suy nghĩ trước khi phát ngôn điều gì đó và cố gắng thực hành mỗi ngày, chuyển hóa mình từ lửa thành nước.
Nói rõ những cảm xúc trong lòng
Trước đây, buồn giận đến mấy, tôi cũng chỉ giữ trong lòng, sau đó chì chiết anh vì không hiểu mình. Mâu thuẫn ngày qua ngày cứ tích tụ, dù đôi khi chồng tôi thậm chí chẳng biết anh mắc lỗi gì.
Bỗng một ngày, khi tôi bắt đầu câu chuyện bằng câu "em thật sự buồn", dù chưa nói ra nỗi buồn, chồng tôi đã hỏi ngay "vì sao buồn". Rồi khi nói ra được nguyên do, trút hết mọi nỗi niềm, dù cho anh chưa kịp làm gì mà tôi đã thấy nhẹ nhàng vô cùng.
Kể từ đấy, tôi luôn biết cách thể hiện mọi cảm xúc tươi nguyên nhất của mình, dù buồn vui giận hờn gì cũng nói rõ cho anh biết, anh nghe. Có nhiều phen tôi cũng hụt hẫng khi không nhận được sự hồi đáp thỏa đáng, nhưng rồi tôi lại tự nhủ, mình được nói ra hết là đã nhẹ lòng rồi, biết đâu anh bận hoặc chưa hiểu ý. Lâu dần, chồng tôi còn chủ động tâm sự lại với vợ những vướng mắc, bế tắc mà anh đang gặp phải. Để rồi hai vợ chồng tìm thấy sự đồng điệu trong những cuộc nói chuyện quá nửa đêm, không còn nhìn nhau đầy căm phẫn, uất ức như trước nữa.
Có gì cùng ngồi xuống nói chuyện
Hồi đầu mới lấy nhau, có chuyện gì tôi cũng nhất quyết phải sồn sồn lên, phải đôi co cãi nhau ngay lập tức vì không thể nén giận được. Kiểu như ở nhà phát hiện có tấm ảnh chồng chụp với cô người yêu cũ, là bằng mọi cách phải nhắn tin chửi bới, bắt giải thích, thề thốt. Càng nói, cơn điên càng nổi lên và thường kết thúc bằng việc muốn ly hôn. Thế nhưng chồng tôi... mặc kệ cơn điên của vợ, vì bận việc nên anh thường chỉ bảo "Có gì tối về nói chuyện".
Qua nhiều phen giông bão, tôi lại đúc kết được một điều: Thường thì trong buổi chiều ngồi đợi chồng về để nói chuyện, cơn giận đã trôi qua mất. Thậm chí, tôi còn thấy mình thật quá đáng và chưa suy nghĩ thấu đáo khi nói ra những lời không hay, xấu hổ đến mức còn muốn xóa đi tin nhắn đã gửi. Khi anh về, tôi chẳng biết làm thế nào đành lơ đi trận cuồng phong ban sáng, âm thầm rút lại suy nghĩ muốn bỏ đi hay ly hôn của mình. Mối quan hệ lại thường được cứu vãn theo cách dễ dàng đến không ngờ như thế, đó là nhờ biết... chờ đợi cơn giận qua đi.
Sau này khi hiểu ra nguyên lý hoạt động của cơn giận, tôi luôn cố gắng chờ đợi đến lúc chồng về, ngồi đối thoại với sự bình tĩnh chứ không phải là chồm chỗm lên như núi lửa đang chực phun trào nữa. Vợ chồng dễ dàng tìm được tiếng nói chung, những mâu thuẫn cũng có thể được giải quyết một cách êm ấm.
Tác giả: Linh Lam
Nguồn tin: Báo VnExpress