Máy ép chế thêm phễu đựng đường hóa học và nước lã
Mới đây, theo tìm hiểu của PV, muốn nước mía ngọt hơn thì mỗi chiếc máy ép, chủ cửa hàng có thể gia công thêm một hộc đường bên trong máy. Trong quá trình ép mía lượng đường này sẽ tự động chảy ra cùng với nước ép được mà người sử dụng sẽ không thể phát hiện ra được.
Khi đặt vấn đề là có cách nào giúp cho lượng nước mía khi ép được nhiều hơn và ngọt hơn không, nhân viên của 1 quán nước mía trên đường Giải Phóng cho biết: ''Nếu muốn nhiều nước hơn nữa thì có thể liên hệ với mấy nhà máy cơ khí, chế thêm một chiếc phễu bên trong máy để chứa nước, đồng thời đặt sẵn tỷ lệ đường, mía, nước sao cho phù hợp. Làm được như vậy thì lượng nước sau ép có thể tăng 1/3 mà vị thì không đổi''.
Tại một quán giải khát trên đường Cầu Giấy, giá bán mỗi cốc là 8.000 đồng. Ngoài ra, họ còn bán nước mía theo lít với giá 15.000 đồng (nguyên chất). Khách mua từ 4 lít trở lên, giá còn 13.000 đồng. Phí giao hàng là 2.000 đồng/km.
|
Chủ cửa hàng ở đây cho biết 1 lít nước mía nguyên chất chia được khoảng 4 cốc. Nếu tính theo giá thị trường 10.000 - 12.000 đồng một cốc, người bán sẽ thu về được 40.000 - 48.000 đồng. Trung bình mỗi ngày, bán được khoảng 50 lít nước mía nguyên chất, những hôm nắng nóng tăng lên 60 lít.
Một chủ cửa hàng bán nước mía tại chợ đầu mối phân phối mía gần khu vực Hà Đông khẳng định, những chai nước mía có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/lít chắc chắn là nước mía pha, không phải mía nguyên chất.
Bởi, một lít nước mía nguyên chất phải quay tới 2,5 cây. Với loại mía nhỏ thì phải 4-5 cây mới được một lít. Thực chất, bên trong máy ép nước mía là cả nước đá. Nước đá và mía ra cùng một lúc. Người mua không thể phát hiện được.
Muốn được gia công thêm bộ phận đựng đá và nước mía tan cùng nhau làm tăng dung tích phải đặt hàng tại cơ sở gia công ban đầu. Họ làm một nửa khay đá.
Nước mía ép xuống chảy lẫn với đá. Để tăng độ ngọt cho nước mía vào cuối mùa (vì lúc này mía có vị chua), người bán hàng ngâm mía vào trong xô có sẵn đường hóa học, chỉ một nắm nhỏ là ngọt lịm.
Người bán kêu trời trước thông tin nước mía pha nước lã, đường hóa học, có phễu "bí mật" trong máy ép
Sau những thông tin trên, một số người bán nước mía khi được hỏi đều tỏ ra bất ngờ trước thông tin bỏ thêm đường, pha thêm nước máy vào nước cốt của mía để ngọt và bán được nhiều hơn.
Tại một quán nước trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), chị Minh thốt lên bức xúc: "Trước giờ mình cứ ép ra bán chứ nào biết bỏ thêm đường làm gì. Nước ép được chảy trực tiếp từ vòi dẫn xuống chiếc thau nhỏ đựng nước. Tôi ép ngay tại chỗ, tự tay múc vào ly cho khách, ai cũng nhìn thấy mình ép, làm sao mà bỏ thêm đường hay nước được?”.
Hỏi về chiếc khay đựng đường, phễu đựng nước, chị Minh cũng khẳng định không hề biết. Nói rồi, chị Minh mở hẳn phần ép nước mía để PV kiểm chứng. Cũng câu hỏi trên, chị Thanh Hoa (34 tuổi, quận 7), bán nước mía trên đường Lâm Văn Bền khẳng định không biết “thủ thuật” ép mía kiểu này.
Cũng theo 1 tiểu thương bán nước mía, một máy ép nước mía có giá từ 3 - 10 triệu đồng tùy loại nên việc đầu tư bán loại nước giải khát này cũng không mất quá nhiều vốn và mau có lợi nhuận. Vì vậy, không quá cần thiết để người bán phải dùng đến thủ thuật thêm nước, thêm đường.
Hơn nữa, trung bình một ly nước mía ở TP.HCM có giá từ 4 - 10 ngàn/ly, ở các khu vực vùng ven như H. Bình Chánh, Nhà Bè… còn bán với giá 3 ngàn/ly. Theo tìm hiểu, sở dĩ giá bán nước mía tại đây rẻ là nhờ chi phí đầu vào rẻ hơn các nơi khác.
Theo lời chị Mai, một người bán nước mía ở HCM từ khi nước mía chỉ có giá 1.000 đồng/ly. Đến nay đã 15 năm, một ly đồ uống này tăng giá lên 4.000 đồng. Những người được hỏi đều lo lắng khi thông tin thất thiệt về "chiêu" pha nước pha đường vào nước mía ép hiện vẫn đang được chia sẻ rộng rãi dù không có bằng chứng trên mạng xã hội.
Uống nước mía ngâm đường hóa học, suy giảm chức năng thận Đường là một gia vị thiết yếu trong cuộc sống, giúp tạo ra vị ngọt, thường sử dụng cho các món ăn, thức uống như các loại chè, sữa đậu nành, bánh kẹo, bánh ngọt. Đường cát là loại đường mà hầu hết các gia đình sử dụng. Nó có nguồn gốc tự nhiên từ củ cải, mía hay mật ong, cho vị ngọt vừa phải. Bên cạnh đó, còn có một loại đường khác không có nguồn gốc từ thiên nhiên, chủ yếu là tổng hợp từ các chất hữu cơ, vô cơ trong nhà máy gọi là đường hóa học.
Đây là loại đường có độ ngọt rất cao trong một lượng chất rất nhỏ. Chúng thường ở dạng viên, đóng thành gói lớn. Các chuyên gia khuyến cáo về sự độc hại của loại đường này trong chế biến đồ ăn và thức uống. Theo các chuyên gia, nếu thai phụ thường xuyên uống nước mía trộn với đường hóa học sẽ gây kích thích niêm mạc đường ruột, suy giảm chức năng tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa và trở ngại cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng, đồng thời có thể gây hại tới chức năng thận. Nhiều phụ huynh có thói quen mua nước mía dọc đường, vỉa hè cho con uống để giải khát. Đối với trẻ em, đây là lứa tuổi đang cần bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển trí não và chiều cao nên việc sử dụng đường hóa học nhiều sẽ kìm hãm sự phát triển của trẻ, hoặc trí não không phát triển bình thường.
Bên cạnh đó chức năng thải độc của gan, thận của trẻ em đều kém nên các hóa chất này sẽ tích lũy lại. Một số trẻ tự nhiên biếng ăn bởi những chất ngọt “dởm” cản trở khả năng hấp thu protein, sắt, kẽm khiến trẻ chậm lớn. |
Tác giả: Minh Anh
Nguồn tin: emdep.vn