Giáo dục

Sự im lặng, né tránh khó hiểu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

Một mình Bộ trưởng Nhạ sẽ không thể thúc đẩy đổi mới giáo dục, nếu các cơ quan tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng vẫn "không vội được đâu" hay "im lặng là vàng".

Xung quanh những thắc mắc về căn cứ pháp lý triển khai đại trà “tài liệu thí điểm” Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vào trường học trên 48 tỉnh thành, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã kiên trì, liên tục liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm câu trả lời.

Bởi lẽ có những mâu thuẫn trong khẳng định của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN ngày 14/11 với trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngày 16/11 trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn cho biết: “Về việc thí điểm dạy tiếng Việt tiểu học, chúng tôi xin nhận khuyết điểm. Việc thẩm định chúng tôi phải làm trong thời gian tới.

Còn sau khi thẩm định mà các nhà chuyên môn đánh giá thấy không hợp lý thì với trách nhiệm của mình, chúng tôi phải dừng”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đang rất nỗ lực thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Bộ trưởng Nhạ đã có câu trả lời rõ ràng, thẳng thắn và trách nhiệm về việc đưa tiếng Việt - Công nghệ giáo dục vào trường học.Ảnh: Báo Nhân Dân.

Trong phần trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/11, Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN khẳng định:

“Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được Hội đồng nghiệm thu nhiều lần: 2 lần cấp quốc gia, 1 lần cấp Bộ, và lần nào cũng được xếp loại tốt, được đề nghị cho triển khai nhân rộng. Hồ sơ còn được lưu tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Và tất nhiên, hội đồng nghiệm thu là Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục lần thứ nhất là PGS.TS. Lương Ngọc Toản, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục lần thứ hai là GS.TS. Phạm Đình Thái.

Trước năm 2000, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã phổ biến tới 43 tỉnh thành, các tỉnh này đều tự nguyện xin áp dụng vì họ hài lòng với kết quả dạy và học.

Nhưng vì năm 2000 chủ trương cả nước sử dụng một bộ sách giáo khoa, nên sách Công nghệ giáo dục không được phổ biến rộng rãi như trước.

Mãi cho đến năm 2006, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện nhiều học sinh ngồi nhầm lớp, đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ: “Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiếu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc” lại được Trung tâm Công nghệ giáo dục thực hiện.

Chứng minh không chính xác

Thiết nghĩ, câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội hết sức thẳng thắn, có trách nhiệm.

Tuy nhiên việc Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN không có phản hồi nào về câu trả lời này, mà tiếp tục đưa ra một số thông tin không ăn khớp với vấn đề để chứng minh:

“Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định, thông qua, kiến nghị Bộ trưởng cho sử dụng theo Luật Giáo dục hiện hành”, vấn đề mà chúng tôi đang đặt câu hỏi.

Ảnh chụp màn hình trang congnghegiaoduc.vn của Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN. Hình phía trên là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, phía dưới là PGS.TS Lương Ngọc Toản.

Thứ nhất, ngày 25/11 cổng thông tin điện tử của Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN đăng tài liệu "Đánh giá của Hội đồng Nhà nước về Công nghệ giáo dục", đó là biên bản nghiệm thu đề tài cấp nhà nước mã số78-04-026:

“Mô hình nhà trường mới theo khả năng phát triển tối ưu của trẻ em Việt Nam bằng giáo dục thực nghiệm” (Phần cấp I phổ thông) do Trung tâm Thực nghiệm giáo dục phổ thông chủ trì, GS.TSKH. Hồ Ngọc Đại, Giám đốc Trung tâm, làm chủ nhiệm đề tài.

Biên bản nghiệm thu ký ngày 8 tháng 12 năm 1990 bởi PGS.TS Lương Ngọc Toản - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, biên bản này chỉ nghiệm thu một đề tài nghiên cứu khoa học, không phải biên bản nghiệm thu và thẩm định một cuốn sách giáo khoa của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo Luật Giáo dục hiện hành, để có thể triển khai nó vào đại trà.

Mặt khác, cũng không có cuốn sách giáo khoa nào được nghiệm thu và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho sử dụng đại trà trong trường học được đề cập ở văn bản này.

Thứ hai, ngày 13/12 Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN tiếp tục đưa thông tin "Đánh giá của các nhà quản lý về Công nghệ giáo dục" trong đó nhắc đến vai trò của GS.TS Phạm Đình Thái:

"Về kết quả thực nghiệm, chỉ xin nêu ở đây kết luận nghiệm thu bộ môn tiếng Việt của Bộ Giáo dục đối với lớp Một đầu tiên, ngày 25/4/1986 – Đoàn cán bộ nghiên cứu do Giáo sư Tiến sĩ Phạm Đình Thái làm trưởng đoàn, Giáo sư Phạm Văn Hoàn làm phó trưởng đoàn.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, đoàn đã tổ chức khảo sát, so sánh kết quả ở 69 học sinh thực nghiệm (100%) và 70 học sinh phổ thông tại trường PTCS Lê Hồng Phong, nơi trường đóng, trên cùng một khu tuyển sinh. [4]

Ảnh chụp màn hình trang congnghegiaoduc.vn, bài đề cập đến vai trò của GS.TS Phạm Đình Thái trong tham gia nghiệm thu một đề tài nghiên cứu về Công nghệ giáo dục.

Như vậy có thể thấy, GS.TS Phạm Đình Thái rõ ràng không phải là Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa được giao thẩm định, nghiệm thu "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.

Đơn giản là vì Luật Giáo dục đầu tiên được xây dựng năm 1998, sau đó được thay thế bởi Luật Giáo dục năm 2005, năm 2009 Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và đang sử dụng đến nay.

Cả hai văn bản do PGS.TS Lương Ngọc Toản và GS.TS Phạm Đình Thái ký được Giáo sư Đại cùng Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN nêu ra không phải văn bản nghiệm thu của Hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa.

Mặt khác, cũng không có cuốn sách giáo khoa nào được thẩm định trong 2 văn bản này, và nó có trước Luật Giáo dục 1998, là đạo luật sớm nhất quy định về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Như vậy có thể thấy trả lời của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN ngày 14/11 mà chúng tôi trích dẫn phía trên là không chính xác.

Còn theo nguồn tin riêng của chúng tôi, năm 1995 Giáo sư Hồ Ngọc Đại có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập một hội đồng thẩm định công trình nghiên cứu của ông về Công nghệ giáo dục nói chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đáp ứng yêu cầu này bằng việc thành lập Hội đồng thẩm định công trình này, do GS.TS Phạm Tất Dong làm Chủ tịch Hội đồng.

Dưới hội đồng này gồm có 9 hội đồng thành viên xem xét từng nội dung cụ thể của Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại, và cả 9 hội đồng đều bác bỏ.

Chúng tôi đã liên hệ với GS.TS Phạm Tất Dong đề nghị ông lên tiếng, nhưng không nhận được câu trả lời.

Các hồ sơ, quyết định liên quan đến việc thẩm định công trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại năm 1995 còn lưu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Và thực tế, tất cả các tài liệu Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được triển khai đại trà vào trường học hiện nay vẫn là “tài liệu thí điểm”, kể cả Tiếng Việt lớp 1.

Nhưng quy mô, tốc độ triển khai các tài liệu này thì nhanh chưa từng có, theo Giáo sư và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN, đã có 700 ngàn học sinh trên cả nước đang học các “tài liệu thí điểm” này.

Đáng nói hơn nữa, từ trước đến nay Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mới chỉ đề cập đến cuốn "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, trong khi còn hàng chục cuốn "tài liệu thí điểm" khác của Công nghệ giáo dục đang được thí điểm và nhanh chóng đưa vào trường học mà chưa qua thẩm định.

Các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn im lặng, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam né tránh

Liên quan đến Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói chung, "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục nói riêng, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hai công văn gửi đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị làm việc, xác minh thông tin từ phía Bộ.

Đó là Công văn số 58/GDVN-HC ngày 4/10 và Công văn số 62/GDVN-HC ngày 4/11.

Tiếp đó ngày 23/11 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mang theo giấy giới thiệu sang Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị gặp lãnh đạo Bộ để xác minh các thông tin liên quan, nhưng cho đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồi âm chính thức nào từ Bộ.

Đơn vị thứ hai là Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cơ quan được Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN nói rằng đang giữ hồ sơ 3 lần nghiệm thu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, 2 lần cấp quốc gia và một lần cấp bộ.

"Và tất nhiên, hội đồng nghiệm thu là Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục", Giáo sư Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN nhấn mạnh.

Ngày 4/11 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có Công văn số 63/GDVN-HC gửi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề nghị lãnh đạo Viện bố trí lịch làm việc với Báo để xác minh thông tin liên quan:

Thứ nhất, có đúng là cuốn "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định, thông qua và kiến nghị sử dụng, có hồ sơ lưu tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam hay không.

Thứ hai là các thông tin liên quan đến Đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ: "Hoàn thiện công nghệ dạy tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số (HSDTTS) ở các tỉnh miền núi phía Bắc."

Ngày 22/11, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc được với Tiến sĩ Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam qua điện thoại.

Tiến sĩ Trần Công Phong cho biết: Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã nhận được công văn ngày 4/11 của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông đã phân công cán bộ trả lời. Hiện Viện đang xác minh thông tin, khi có kết quả sẽ trả lời Báo sau.

Ngày hôm sau, 23/11, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thông báo đã bố trí được cán bộ làm việc với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Người gặp và trao đổi với chúng tôi là TS Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi này, đại diện Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết:

Thông tin "Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thông qua theo Luật giáo dục 2005 và hồ sơ hiện đang lưu tại quý Viện" trong Công văn số 63/GDVN-HC là không chính xác.

Theo vị đại diện Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, một số nhân chứng cho biết không có Hội đồng quốc gia thông qua "cái đấy" (Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục), cho nên nói "đã được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thông qua và hồ sơ lưu tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam" là không chính xác.

Dù có đi nữa, thì một cuốn sách được thẩm định từ những năm 1990 mà lại nói rằng đến bây giờ mới được triển khai là rất vô lý, vì bình thường tuổi đời của một cuốn sách cũng chỉ khoảng 10 năm.

Đại diện Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều lần hỏi lại về việc có hay không một Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, vị đại diện Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đều khẳng định rằng: Không có hội đồng nào như thế.

Còn đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ mà Công văn số 63/GDVN-CV nêu, đại diện Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, đó là đề tài của Tiến sĩ Lê Văn Hồng.

Tuy nhiên sau khi biên tập nội dung trả lời trên và gửi cho vị đại diện Viện Khoa học giáo dục Việt Nam xác nhận lại trước khi đăng, phía Viện đề nghị cần có một cuộc gặp để làm rõ thêm vấn đề, tránh hiểu lầm.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có Công văn số 67/GDVN-HC gửi Viện Khoa học giáo dục Việt Nam ngày 24/11 nêu ra các câu hỏi cụ thể để Viện tiện trả lời bằng văn bản.

Cùng ngày 24/11, chúng tôi tiếp tục có cuộc làm việc tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Hồng Vân cho rằng, thông tin buổi làm việc hôm 23/11 là với tư cách cá nhân, tìm hiểu với tư cách một người quan tâm, không đại diện cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Trong buổi làm việc này, đại diện Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chỉ trả lời trên cơ sở Công văn số 63/GDVN-HC với hai ý:

Thứ nhất, về việc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam có giữ hồ sơ nào liên quan đến Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, thẩm định và thông qua cũng như kiến nghị Bộ trưởng cho sử dụng đại trà "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục hay không:

Điều 29 của Luật Giáo dục hiện hành (Luật Giáo dục 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ban hành năm 2009), Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng ký quyết định thành lập trên cơ sở đề xuất của các vụ chức năng thuộc bộ.

Do đó việc quản lý hồ sơ thẩm định một cuốn sách giáo khoa là do các vụ chức năng quản lý. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam không có chức năng này.

Thứ hai, đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ mà Công văn số 63/GDVN-HC nêu ra có mã số là B-2004-57-11, chủ nhiệm đề tài là Tiến sĩ Lê Văn Hồng, Trung tâm Công nghệ giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2008, Bộ quyết định chuyển trung tâm này về Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và lấy tên gọi Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ giáo dục. Thời điểm nghiệm thu đề tài này của Tiến sĩ Hồng, Trung tâm vẫn đang thuộc Bộ.

Sau đó Trung tâm chuyển về Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, hồ sơ đề tài này cũng được bàn giao về Viện, và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chỉ quản lý hồ sơ, không phải đơn vị chủ trì nghiên cứu và nghiệm thu, mà là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng trong buổi làm việc này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chuyển cho Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân và gửi Viện Khoa học giáo dục Việt Nam Công văn số 67/GDVN-HC, nêu cụ thể các câu hỏi đề nghị Viện trả lời.

Tiến sĩ Vân đề nghị Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chờ Viện có câu trả lời chính thức bằng văn bản rồi hãy đăng tải, chúng tôi đồng ý.

Ngày 30/11 chúng tôi liên hệ với Tiến sĩ Vân qua điện thoại để hỏi văn bản trả lời của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì được bà cho biết, trong hai nội dung, nội dung về đề tài nghiên cứu thì Viện có đủ hồ sơ để trả lời.

Còn nội dung thứ nhất về hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có hay không, thì phía Viện đang có nhiều ý kiến cần trao đổi, vì trả lời thì phải có căn cứ.

Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ giáo dục và Phòng Tổng hợp của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đang tìm, đến khi nào không tìm được thì sẽ trả lời Báo, hồ sơ ấy (hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục) không có.

Ngày 2/12, Tiến sĩ Vân liên lạc với chúng tôi qua điện thoại đề nghị Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chờ đợi thêm, vì Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chuẩn bị cho ngày kỷ niệm thành lập Viện hôm 6/12 nên rất bận, sau ngày 6/12 Viện sẽ trả lời.

Hôm 1/12, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam họp giao ban và Tiến sĩ Vân phải báo cáo lãnh đạo Viện về việc trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Viện có 5 kho lưu trữ hồ sơ, nên phải chờ tìm hết sẽ có câu trả lời và phải trả lời sau ngày 6/12.

Ngày 8/12, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với Tiến sĩ Vân để hỏi về công văn trả lời những vấn đề Báo nêu, bà cho biết: Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đang làm, chắc cuối tuần (thứ Sáu 9/12?) sẽ có văn bản trả lời.

Tuy nhiên chúng tôi chờ đợi đến hôm nay 14/12 vẫn không nhận được bất cứ hồi âm chính thức nào từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, mặc dù đã đáp ứng yêu cầu của Viện về công văn gửi câu hỏi cụ thể, cũng như thời gian chuẩn bị.

Hơn nữa, đại diện Viện Khoa học giáo dục Việt Nam ngày 24/11 nói rằng, nội dung trao đổi hôm 23/11 chỉ là trao đổi trên tinh thần cá nhân thiết nghĩ không chính xác, vì Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có công văn sang Viện đề nghị làm việc và được lãnh đạo Viện chỉ đạo người tiếp.

Chúng tôi đã dành thời gian để Viện Khoa học giáo dục Việt Nam có văn bản trả lời chính thức, nhưng đến nay vẫn không thấy Viện đả động gì.

Vì vậy xin lược lại quá trình đi tìm câu trả lời đã biết (Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời Quốc hội) để quý bạn đọc hiểu rõ.

Đồng thời chúng tôi cũng hy vọng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí để trả lời những vấn đề dư luận quan tâm, thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình.

Chính vì đánh giá cao thái độ thẳng thắn, cầu thị của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội và cử tri cả nước, chúng tôi hy vọng các cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên noi gương Bộ trưởng trong việc đối thoại với dư luận phụ huynh, học sinh, giáo viên cả nước thông qua báo chí.

Dù Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời rất rõ về việc "thí điểm dạy tiếng Việt tiểu học", nhưng chúng tôi vẫn nhắc lại vấn đề này vì muốn thấy rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan, trong khi những việc làm có dấu hiệu trái luật vẫn chưa được ngăn chặn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ là người phải xử lý hậu quả, phải nhận trách nhiệm, còn người gây ra nó thì vẫn ung dung.

Chúng tôi mong đợi lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển sớm trả lời những vấn đề Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu.

Muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, thiết nghĩ trước hết phải đổi mới tư duy và cung cách làm việc của các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như bộ phận tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng.

Một bàn tay vỗ không thành tiếng, một mình Bộ trưởng Nhạ sẽ không thể thúc đẩy đổi mới giáo dục, nếu các cơ quan tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng vẫn "không vội được đâu" hay "im lặng là vàng" như hiện nay.

Tác giả bài viết: Hồng Thuỷ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP