Cuộc sống

Sống dở chết dở với thói phong lưu của chồng

Nhìn cách tiêu tiền của Hợp, Dung cũng đã nhiều lần nhắc nhở anh. Bởi vợ chồng cô còn phải tính đến chuyện chạy chữa để có con, chưa kể phòng thân những khi rủi ro, hoạn nạn. Bỏ ngoài tai lời khuyên của vợ, Hợp gắt gỏng "thếu tháo trời cho, bo bo trời buộc", "đàn bà các cô chỉ giỏi khư khư".

Nếu gặp Dung cách đây 8 năm về trước, bạn bè không khỏi suýt xoa trước nhan sắc và gia thế của nàng. Vốn đã đẹp một cách thanh tú, nàng biết vận lên mình những bộ cánh quý phái cùng với những chiếc xế hộp thay đổi theo mùa. Vậy mà giờ đây, nhìn cô già đi rất nhiều so với tuổi ba mươi tám. Thế mới thấy, đàn bà sướng khổ là ở ông chồng.

Dung và Hợp (chồng cô), cưới nhau từ khi hai người hoàn toàn tay trắng. Tài sản có giá trị nhất là hai chỉ vàng mẹ ngoại cho và chiếc giường cũ chở từ quê nội vào. Cũng may Hợp chịu khó, từ chỗ làm thợ xây đến chủ thầu và lên luôn chức giám đốc một công ty chuyên về vật liệu xây dựng. Cuộc sống mở ra trang mới với vợ chồng cô khi họ mua được đất, xây được nhà, sắm ô tô. Hàng xóm, bạn bè, nhất là người thân của Hợp ai nấy đều mừng. Vì vậy, nhà Dung lúc nào cũng rộn ràng khách khứa,cháu chắt ở quê cứ lần lượt thay nhau vào chơi rồi ở lại dăm bữa nửa tháng, để khi về còn mang theo ít rượu ngoại và "tiền tàu xe".

Tính Dung vốn xởi lởi, lại chưa có con, nên việc bên nội chồng hay bạn bè Hợp tới chơi cô cũng vui vẻ nhiệt tình. Thế nhưng, cô cũng thấy "nóng mặt" với cách tiêu tiền như nước của chồng. Bốc lên là bất chấp, bạn bè muốn ăn gì có nấy, uống gì được nấy, mỗi lần về quê là chở nguyên một xe bia Heniken.

Với người thân thích như cha mẹ hay anh chị em thì Dung không để ý, nhưng gặp ai, dù mới biết hay quen từ đời tám hoánh, Hợp đều hồ hởi và sẵn sàng móc hầu bao. Bởi thế, đi tới đâu, Dung như vệ sĩ tháp tùng "ông trùm", chỗ này: em chào anh Hợp, chỗ kia bác Hợp. Đã vậy, hết hội này tới nhóm khác, dù ở quê hay nơi ở hiện tại, tiền quyên góp mang tên vợ chồng cô luôn đứng đầu, mà con số bao giờ cũng là bội của 6 số 0.

Nhìn cách tiêu tiền của Hợp, Dung cũng đã nhiều lần nhắc nhở anh. Bởi vợ chồng cô còn phải tính đến chuyện chạy chữa để có con, chưa kể phòng thân những khi rủi ro, hoạn nạn.

Bỏ ngoài tai lời khuyên của vợ, Hợp gắt gỏng "thếu tháo trời cho, bo bo trời buộc", "đàn bò các cô chỉ giỏi khư khư". Nói không lại, Dung cũng chỉ biết ngán ngẩm bỏ đi đâu cho bõ tức rồi về.

Điều mà cô thấp thỏm cũng tới: cô có thai! Nhưng niềm vui này tới thì hoạn nạn cũng chực chờ. Công ty Hợp phá sản vì quá tin bạn bè. Được cái này thì mất cái kia, dù cũng mơ hồ về tương lai sắp tới nhưng Dung tự trấn an mình: "Có con thì có của".

Con gái cô chào đời trong niềm khắc khoải và khao khát bấy lâu. Hợp vì thế cũng như trẻ ra sau cú sốc công việc, anh tuyên bố "Đầy tháng con phải làm thật hoành tráng". Nghe chồng nói, Dung không nói gì bởi cô không muốn làm Hợp cụt hứng, nhưng có chút bất an. Bởi cô chỉ muốn gói gọn trong phạm vi gia đình, phần vì con nhỏ không nên ồn ào, phần vì hoàn cảnh vợ chồng cô giờ đã khác trước. Xe cũng đã bá, máy móc ở công ty thì chất đống ngoài trời, họ nợ mình thì không đòi được, nhưng mình nợ ngân hàng thì cứ đến tháng đến ngày. Trong khi đó, Hợp đã quen phóng khoáng như trước đây, nên đời nào anh chịu để niềm vui mà không có bạn bè. Chỉ có Dung mới hiểu, xong đầy tháng con, cô lại từ bù lỗ cho những khoản tiêu bốc đồng của chồng.

Con cái ngày một lớn, chồng lại không đi làm, mọi sinh hoạt giờ đây chỉ chờ vào mấy triệu tiền lương vợ, thậm chí, Hợp phải bán đi chiếc nhẫn cưới để đổ tiền xăng. Giỗ chạp ở quê, Hợp lại thuê ô tô để về nhà và vẫn không quên đem về những thứ quen thuộc để họ hàng được "thả ga".

Sữa, bỉm, ăn tiêu, tất tần tật, một tay Dung gáng vác. Nhiều lúc cô đã tỉ tê với chồng: "Hay anh chịu khó kiếm chân bảo vệ ở công ty, hoặc lái xe cho một vài người bạn quen biết". Thay vì cái gật đầu, Hợp lại chì chiết "Anh mà làm những việc đấy".

Biết Hợp mắc bệnh "sĩ" nên Dung không tiện nói ra suy nghĩ của mình. Bởi chẳng lẽ anh không biết mình bây giờ là ai, trong hoàn cảnh nào mà còn chê việc đấy với việc kia. Chính vì suy nghĩ ấy cùng với cách tiêu tiền như thời hoàng kim mà tín dụng đen cứ đến gặp Dung thường xuyên. Khổ nỗi, họ cứ nghĩ vợ chồng cô còn tích trữ "của ăn của để" mà không biết thực chất đã "vườn không nhà trống" bấy lâu nay.

Dẫu có chắt bóp chi tiêu, dẫu có lạc quan biết mấy, nhưng ngày mai, ngày kia của gia đình Dung như thế nào,với cô còn mù mịt lắm. Bỏ chồng vào lúc này thì mang tiếng "cạn tàu", nhưng "đu theo" thì mẹ con cô lại trở thành "con nợ". Lối thoát nào cho con Dung, khi bản thân cô vẫn đi tìm, trong khi chồng cô "phong lưu vẫn giữ lấy nòi phong lưu" ./.

Tác giả: Quỳnh Lâm

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP