Ở thời buổi một ca khúc ăn khách có thể làm thay đổi số phận của một giọng ca, nhu cầu tìm kiếm bài hát ăn khách trở nên quan trọng với giới ca sĩ. Chi phí đầu tư mua bản quyền ca khúc lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng kết quả không phải như mong muốn.
Ca khúc "bao ăn khách" giá trăm triệu
Một ca khúc Việt có giá trung bình 70-80 triệu đồng. Tất nhiên, cha đẻ của nó là những nhạc sĩ có tên tuổi hiện nay trên thị trường âm nhạc. Kỷ lục là Tiên Cookie, cô treo giá 100 triệu đồng/ca khúc nhưng chỉ bán sỉ 3 bài, không bán lẻ. Điều kiện kèm theo là "bao ăn khách".
"Em gái mưa" qua giọng hát của Hương Tràm may mắn trở thành ca khúc ăn khách. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp) |
Thực tế, thị trường ca khúc nhạc Việt đang rơi vào tình cảnh bế tắc: dư thừa ca khúc dở nhưng không bói ra ca khúc hay. Nên với 1 triệu lượt view (người nghe)/ ngày, ca khúc "Em gái mưa" của Mr Siro, do Hương Tràm thể hiện, đang trở thành ca khúc hiện tượng trong vài năm trở lại đây. Cái tên Mr Siro đang được người trong giới săn đón, nhiều giọng ca trẻ khao khát được Mr Siro hợp tác. Sự thành công của "Em gái mưa" nằm ngoài dự liệu của chính tác giả. Giới chuyên môn cũng bất ngờ, nhiều người cho rằng thành công này mang tính thời điểm vì nếu với giọng ca khác mà không phải Hương Tràm thể hiện, "Em gái mưa" cũng chẳng thể gặt hái thành công như thế.
Ngoài bản nhạc giấy, chi phí làm hòa âm để có được sản phẩm âm nhạc ăn khách cũng không hề rẻ. Mức giá hòa âm phối khí cho mỗi ca khúc do ê-kíp SliM V đưa ra, không bớt một xu là 40 triệu đồng. Giá này có thể giảm bớt chút đỉnh nếu số lượng nhiều. Ai đủ kinh phí thì thực hiện còn không thì thôi. Đây có lẽ là chi phí hòa âm cao nhất hiện nay của thị trường nhạc Việt. Tất nhiên, không mấy ca sĩ dám bỏ ra số tiền lớn như thế để làm nhạc khi ca khúc hiện nay được phát hành dưới dạng MV (video ca nhạc) qua online, khó có khả năng thu hồi vốn. Vì vậy đa phần ca sĩ tìm đến những nơi có mức giá dễ chấp nhận hơn. Mức giá làm nhạc chung hiện nay từ 10- 20 triệu đồng/ca khúc, được thực hiện bởi những nhà sản xuất âm nhạc có tên tuổi như Hoàng Touliver, Khắc Hưng, Dương Khắc Linh, Hoài Sa, Thanh Tâm... Hợp tác được với những tên tuổi này cũng không phải dễ khi họ đều là những producer (nhà sản xuất) đắt sô và bận rộn với các dự án game show truyền hình, quảng cáo…
Chợ ngoại, giá phỏng tay
Giới ca sĩ tin rằng có được ca khúc ăn khách, một giọng ca "hết thời" có thể tạo sức hút trở lại, một giọng ca trẻ có thể tạo được sự chú ý và một giọng ca ngôi sao có thể giữ vững vị trí của mình. Vậy nên, chỉ cần có cơ hội sở hữu ca khúc có khả năng ăn khách, ca sĩ sẵn sàng chi tiền.
C.pop (thị trường âm nhạc Trung Quốc), K.pop (thị trường âm nhạc Hàn Quốc) hay thậm chí là US - UK (Âu - Mỹ) chính là tầm ngắm của ca sĩ Việt, nhất là ca sĩ hàng sao. Không chỉ là những sản phẩm âm nhạc được hòa âm, làm master tại phòng thu nước ngoài mà hiện nay, ca sĩ Việt còn đi tìm cả producer ngoại. Ca sĩ Thanh Bùi hợp tác của Apl.de Ap của Black Eyed Peas, RedOne; Hồ Ngọc Hà tìm tới Fernando Garibay, một producer tên tuổi từng hợp tác cùng Lady Gaga,… với mục đích tìm bài hát ăn khách bên cạnh mục đích tạo sự mới mẻ hơn cho con đường âm nhạc của mình.
Khi mới bước chân vào các thị trường này, ca sĩ Việt cũng trải qua bao chuyện dở khóc dở cười. Nơi nào cũng nói lời sẵn sàng hợp tác, trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ khi nhận lời đề nghị của ca sĩ Việt. Trong đó, vài nhà sản xuất sẵn sàng tặng ca khúc mới cho ca sĩ Việt nhưng đổi lại phải làm gương mặt thương hiệu cho công ty của họ tại V.pop. Các công ty Hàn Quốc thường nhắm đến chiến lược phát triển lâu dài tại Việt Nam hơn là tác quyền ca khúc họ thu được. Còn US - UK khiến ca sĩ Việt "ớn lạnh" vì mức tiền tác quyền cho một ca khúc tầm trung có giá trung bình là 20.000 USD, giá này sẽ tăng dần tùy tên tuổi của nhạc sĩ.
Ca sĩ Minh Hằng cho biết với sự giúp sức của một ca - nhạc sĩ người Mỹ gốc Việt, cô đã tìm được nguồn bài hát chất lượng cao nhưng để có nó, cô phải trả tiền tỉ cho một sản phẩm âm nhạc như ý.
Nơi tiếp cận và mua bản quyền bài hát dễ chịu nhất là C.pop nhưng các ca sĩ cho biết khó tìm ra ca khúc phù hợp.
Thực tế, việc tìm mua một ca khúc hay ở thị trường K.pop hay Âu - Mỹ không khó, nếu chấp nhận mức phí bản quyền rất cao. Ngoài ra còn hàng loạt điều kiện đi kèm như phải đến Mỹ để thu âm tại một phòng thu được chỉ định; ca sĩ phải dành thời gian tiếp xúc để ê-kíp sản xuất đánh giá đúng năng lực ca sĩ; cùng với bản thu âm, ca sĩ phải đến Mỹ quay MV theo những quy định cụ thể về chất lượng. Tổng chi phí cho một dự án âm nhạc (chỉ phát hành miễn phí trên online) cũng mất trên tỉ đồng.
Kể cả khi hợp tác với ê-kíp Hollywood đúng chuẩn, cũng không ai dám chắc đó sẽ là một sản phẩm âm nhạc thành công, bởi thị hiếu nghe nhạc của khán giả trẻ hiện nay khá thất thường. Dù vậy, vài ca sĩ Việt vẫn dám đầu tư vì khát khao có bài hát ăn khách. Chưa biết kết quả thế nào nhưng những sản phẩm âm nhạc có bản quyền ngoại này của họ sẽ phần nào hạn chế sản phẩm âm nhạc sao chép, lai căng đang hoành hành ở thị trường ca nhạc Việt Nam.
Ăn khách còn là vận may Một ca khúc ăn khách còn là "vận may" của người sáng tác và người hát, không ai có thể đoán trước. Vì vậy, những nhạc sĩ thận trọng không ai dám nhận đơn hàng với điều kiện "bao ăn khách" dù giá đặt hàng cho một ca khúc lên đến hàng trăm triệu đồng. " Ăn khách hay không phải qua thực tế mới biết được. Tiền đã đưa, kết quả không như ý, kiểu gì cũng có mất mát, không mất tiền thì mất tình cảm, vậy nên sau khi cân nhắc tới lui, mình thà tìm cách khác an toàn hơn" - ca sĩ Minh Hằng nói. Thực tế cho thấy thành công của một ca khúc còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn. Chính giới nhạc sĩ cũng thừa nhận họ "hoang mang tột độ" khi không thể định hình được thị trường nhạc Việt đang đi về đâu. Bởi "gu thưởng thức của công chúng rất vô định và một ca khúc viết ra phải trông đợi ở vận may, dù nó có được sáng tác dựa theo mẫu số chung của thị trường" - nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy nói. |
Tác giả: Thùy Trang
Nguồn tin: Báo Người lao động