Giáo dục

Số phận của các trường sư phạm sẽ ra sao khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới?

Trong bối cảnh của nền kinh tế 4.0, các trường sư phạm phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp dạy-học, phương thức đánh giá…

LTS: Tiếp tục bàn về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới giáo dục đào tạo đặc biệt là vai trò của người thầy, trong kỳ 2 của chủ đề này, TS.Mai Văn Tỉnh nêu cụ thể các hiệu ứng của môi trường số hóa đối với quá trình dạy và học.

Đồng thời nêu ra các giải pháp nhằm cải cách, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm trong bối cảnh hiện nay.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Các hiệu ứng cơ bản của môi trường số hóa đối với quá trình dạy-học:

- Cải tiến chất lượng làm việc của trò và thực hành thông qua nghe nhìn;

- Cải tiến kỹ năng viết tay và ngôn ngữ qua xử lý từ ngữ;

- Thúc đẩy tốc độ riêng để nâng cao năng lực học cá nhân khi sinh viên có thể theo kịp tiến độ và học tăng cường phù hợp với nhu cầu của họ.

- Giúp học hợp tác với chỉ dẫn đôi chút cho đối tượng người học cá biệt;

- Khuyến khích kèm cặp và kiểm tra theo cặp đôi đồng nghiệp;

- Phát triển kỹ năng giao tiếp và nhận thức của đối tượng nghe;

- Tác động đến việc học dựa vào nguồn lực truy cập thông tin qua trang Website;

- Tăng cường thông tin liên tục, bổ sung chuẩn xác vào độ xác thực của nhiệm vụ học tập và thông tin nâng cao;

- Gia tăng động cơ người học qua hoạt động thực tế, nghe nhìn trực quan và cải tiến lối trình bày diễn đạt;

- Thúc đẩy học độc lập và những ưa thích cá nhân để xử lý, phác thảo, cách thiết kế bài giảng;

- Trang bị cho người học cách tự kiểm soát;

- Để cho người học tự làm ra sản phẩm đa phương tiện chất lượng cao;

- Thay đổi thực hành công cụ lập kế hoạch, chuyên mục đánh giá của giáo viên;

- Tăng cường cơ hội học nâng cao, kinh nghiệm cho học viên có kết quả học tập;

- Truyền cảm hứng để sinh viên cam kết học và đóng góp vào hoạt động học tập;

- Phát triển tư duy của sinh viên ở bậc cao hơn: năng lực ứng dụng kiến thức và kỹ năng phân tích vấn đề thách thức, nắm bắt khái niệm rộng, đưa ra ý tưởng và giải pháp mới.

cach mang
Số phận của các trường sư phạm sẽ ra sao khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới? (Ảnh: Báo Tin tức)

Trong kỷ nguyên số hóa người thầy làm việc ở cơ sở giáo dục Đại học phải hiểu được sự khác nhau giữa “học về” và “học để”; phải thực hiện cái “học để” nhằm đạt kết quả đầu ra hiệu suất trong sinh viên.

Việc lôi cuốn đúng đắn người học đảm bảo theo ngành môn học nhằm mục đích “học để”, nghĩa là, nếu sinh viên được tuyển vào chương trình đào tạo sư phạm thì họ phải bộc lộ được các kỹ năng dạy học.

Việc ngoại biên số hóa có thể sẵn sàng giúp sinh viên khai thác nội dung làm việc bên ngoài bài giảng dưới dạng số hóa và vai trò người thầy trên quan điểm kỹ thuật dạy học là có quan trọng cốt yếu.



Giáo viên phải tìm ra các phương thức và cấu trúc hỗ trợ sinh viên phát triển các kỹ năng học tương tác, học cộng tác và học độc lập với nhau.

Vai trò giáo viên mở rộng sang nuôi dưỡng lối tư duy phê phán, óc sáng tạo và nhiệt tình khoa học trong sinh viên để làm cho họ trở thành người biết cách tự học và tự đổi mới suốt đời.

Ví dụ, giáo viên trong hệ thống giáo dục Đại học Indiana, Hoa Kỳ, họ đều quản lý các công nghệ, phương tiện có sẵn để dạy học hiệu suất - phòng thí nghiệm ảo, nguồn lực điện toán từ Chương trình quốc gia học tập theo công nghệ tiên tiến (NPTEL) với sứ mệnh quốc gia về Giáo dục bằng ICT (NME-ICT), nguồn lực giáo dục mở, giáo dục qua mobile,…

Thầy giáo được trang bị lệnh kỹ thuật số để nuôi dưỡng tư duy phê phán, óc sáng tạo và nhiệt tình khoa học cho sinh viên trở thành tự học và tự đổi mới suốt đời.

Đó là vai trò của người thầy biết làm lộ sáng sinh viên ở trình độ tiên tiến của kiến thức và kỹ năng (chuyên gia học đan quyện, giảng bài, tổ chức seminar, hội thảo…).

Người thầy đóng vai trò chủ chốt trong đào tạo ra kho chứa hoàn chỉnh gồm học thuật hỗ trợ tâm lý con người và tâm lý xã hội, các dịch vụ hướng dẫn (tư vấn, cố vấn và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn) để cung cấp cho sinh viên.

Người thầy bắt buộc phải sử dụng nguồn lực thư viện điện tử để gia tăng quá trình dạy-học. Đó là chức năng sống còn của người thầy am hiểu công nghệ nhằm trao quyền và cho phép bản thân họ cũng như học trò sử dụng công cụ và công nghệ khác nhau để cải tiến dạy-học.

Họ phải mài sắc kỹ năng của mình trên quan điểm, phương pháp dạy-học có tính cạnh tranh với công nghệ số.

Việc quản lý nội dung và kiến thức là tài khéo tay biết xoay sở chủ yếu để giáo viên tồn tại trong môi trường số. Họ phải chọn lựa, phát triển và làm giàu tư liệu dạy-học với cấu trúc số hóa theo phương thức ở bất kỳ mọi nơi, mọi lúc.

Giờ đây vai trò người thầy đã thay đổi nhờ nâng cao công nghệ, và việc đánh giá học tập của sinh viên đã vượt ra ngoài 4 bức tường lớp học.

Một khi sinh viên lấy được thông tin và tri thức qua cửa sổ kỹ thuật số, thì việc đánh giá họ sẽ phải được thiết kế bằng chính hình thức đó. Ở đây vai trò người thầy là cộng tác với sinh viên cũng như các cố vấn và giáo viên khác trên thế giới.

Cuối cùng, chúng ta cần nhớ rằng không cần thiết và không thể nào nắm giữ được mọi thông tin trong cuộc sống hàng ngày, nhưng luôn phải sẵn sàng chia sẻ và tham gia.

Shah (1) đã nói rằng một khi người thầy và sách giáo khoa bị thay thế bằng nguồn lực số cho học tập, có nhiều ý định cố gắng mở rộng quy mô thông tin và thư mục của người thầy với niềm tin rằng bảng thông minh và kết nối số lớp học là một giải pháp.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là bất kỳ ai có khả năng nghe dư luận dân chúng đều thấy là chúng ta cần đánh giá lại vai trò của người giáo viên, kết cấu lại các hệ thống giáo dục của chúng ta, không phải cứ đi làm những bắt chước lu mờ trong lớp học cũ rích, một khi chúng ta nhìn thấy sự đi lên của phần mềm dạy học online đại chúng.

Chúng ta không nên làm kinh hoàng hay chém gió việc học tập. Cái chúng ta cần làm là đưa sự tự xem xét nội tâm vào vai trò giáo viên, không cạnh tranh với Internet, mà giúp sinh viên học, tư duy, phản ánh và thực thi kiến thức của họ, một khi họ hợp tác là có “học trên Internet“.

Cải cách, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm

Thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức do toàn cầu hoá, số hóa và ICT. Không còn cách nào khác là phải tiến hành cải cách triệt để đổi mới sư phạm.

Do vậy, cần đề xuất các giải pháp mới, thiết thực và hữu hiệu trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm nhằm thực sự nâng cao vai trò, vị thế của ngành sư phạm trong công cuộc đổi mới giáo dục.

Một thuận lợi lớn là ngành sư phạm được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; Đảng luôn đánh giá cao vai trò người thầy trên mặt trận giáo dục; Đảng luôn chỉ đạo kịp thời, sắc bén và ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và hợp lý.

Vào tháng 10/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI thông qua Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhấn mạnh:

“Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại” (2).

Đội ngũ giảng viên các trường sư phạm ngày càng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, thầy cô giáo vốn yêu nghề tha thiết, luôn coi trọng tri thức, chăm lo dìu dắt thế hệ trẻ, lấy dạy chữ, dạy người làm lẽ sống của mình, luôn coi trọng danh dự, lương tâm, giữ khí tiết, tài năng, đức độ, học vấn và thái độ tận tụy cống hiến.

Tuy nhiên, chúng ta đang đương đầu với khó khăn, thách thức không nhỏ của toàn cầu hóa, quốc tế hóa và cách mạng số.

Trong kỷ nguyên số hóa này, bên cạnh cơ hội tích cực là những thách thức có tác động sâu sắc đến giáo dục và đào tạo, mà trước hết là đào tạo giáo viên.

Hiện nay, các trường sư phạm đang đứng trước một số khó khăn như: Sức ì trong nhận thức của giảng viên và cán bộ quản lý do quán tính cũ trong thời gian dài; Nguồn lực vật chất và tài chính còn hạn hẹp; Chưa tuyển được người có năng lực phù hợp vào học sư phạm;

Cùng với đó là vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường đang ngày một gay gắt...

Nguyên nhân sâu xa là do xã hội thiếu tin tưởng vào đội ngũ giáo viên, nhà trường và công tác quản lý giáo dục của các cấp.

Ngay giữa các Đại học, Cao đẳng sư phạm cũng nảy sinh nhiều xáo trộn. Hầu hết các trường sư nhỏ lẻ, manh mún và thiếu liên kết hệ thống địa phương tới trung ương.

Số lượng trường sư phạm quá nhiều: 63 tỉnh thành đều có cao đẳng sư phạm, trong khi đại học sư phạm lại đang ở tình trạng đứng ở ngã ba đường.

Có một số đại học sư phạm chuyển sang đa ngành như Đại học sư phạm Vinh, Quy Nhơn, Hải Phòng…; Đại học Quốc gia Hà Nội có riêng trường Khoa học Giáo dục nhưng cũng tham gia đào tạo giáo viên.

Các khoa sư phạm trong các đại học đa ngành hay chuyên ngành mười năm trước cũng “trăm hoa đua nở ” ở các trường thuộc nhiều bộ ngành khác.

Một số tỉnh có cả đại học sư phạm lẫn cao đẳng sư phạm cùng thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên phổ thông.

Tình hình trên dẫn đến chồng chéo, liên kết lỏng lẻo mang tính chất tự phát, hỗn độn của toàn ngành sư phạm. Sự phát triển này không có định hướng rõ và quy hoạch hệ thống tổng thể.

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng giáo dục thấp, và tất nhiên làm hạn chế chất lượng đội ngũ thầy giáo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa , ICT hóa và số hóa của nền kinh tế 4.0, các trường sư phạm phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp dạy-học, phương thức đánh giá kết quả đầu ra sinh viên, bồi dưỡng giáo viên theo hướng thực học, thực nghiệp và định hướng vào công nghệ.

Cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ giáo dục tiên tiến, áp dụng đào tạo online, kết nối mạng để bồi dưỡng năng lực nghề sư phạm cho sinh viên, giáo viên, giáo sinh tập sự trong hệ thống nối mạng thống nhất trong toàn quốc và trên toàn cầu.

Chỉ có như vậy mới có thể tiếp tục đổi mới giải pháp chiến lược quốc gia cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Các trường sư phạm phải gắn với thực tiễn dạy-học ở phổ thông; Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy- học tiên tiến; kiện toàn công tác quản lý nhà giáo, nhà trường; nâng cao đãi ngộ người thầy có trình độ, am hiểu ứng dụng công nghệ;

Và tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các cơ sở đào tạo sư phạm hàng đầu trên thế giới và trong khu vực; Tôn vinh nghề dạy học đi đôi với đề cao đổi mới vai trò người thầy;

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút và sử dụng mạnh mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài có sẵn cho đào tạo giáo viên nhằm nâng cao năng lực nghề dạy học trong kỷ nguyên số hóa.

Tài liệu tham khảo:

(1) Lentell (2003): ‘The Importance of the Tutor in Open and Distance Learning’, in A. Tait & R. Mills (eds). Rethinking Learner Support in Distance Education, pp. 64–76. London: RoutledgeFalmer.

(2) Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”

Tác giả bài viết: TS.Mai Văn Tỉnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP