Giáo dục

Sinh viên sáng tạo rác thành nước tẩy rửa thân thiện môi trường

Chính sự tò mò, hai bạn Lê Văn Vũ Linh và Trương Bội Linh đã bắt tay thử nghiệm và nhận thấy rác hữu cơ sau khi ủ có khả năng tẩy rửa sạch nhà vệ sinh, làm dung dịch rửa chén... hiệu quả.

Sản phẩm nước tẩy rửa sinh học sáng tạo từ rác hữu cơ. Ảnh: NVCC

Mọi người thường nghĩ, rác hữu cơ là thứ bỏ đi và thường gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, nhóm sinh viên thuộc Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tận dụng các phế phẩm từ vỏ trái cây, các loại rau củ... để nghiên cứu và cho ra đời nước tẩy rửa sinh học an toàn và thân thiện với môi trường.

“Làm bạn” với rác hữu cơ

Chủ nhân của ý tưởng sáng tạo nước tẩy rửa sinh học từ rác là đôi bạn: Lê Văn Vũ Linh và Trương Bội Linh. Một lần tình cờ, nhóm tham khảo báo cáo khoa học về việc người ta ủ rác hữu cơ để làm phân bón. Chính sự tò mò, hai bạn bắt tay làm thử nghiệm và nhận thấy dung dịch sau khi ủ có khả năng tẩy rửa sạch nhà vệ sinh, làm dung dịch rửa chén... Và từ đây, ý tưởng sáng tạo được hình thành.

Ban đầu, hai bạn đến các khu vực chợ quận 12, thu gom vỏ trái cây, rau củ... do bà con tiểu thương bỏ đi. Nhóm chọn lọc, phân loại ra những rau củ, vỏ trái cây... không lẫn dầu, để thuận lợi cho quá trình phân giải. Sau đó, nhóm đem nguyên liệu rửa sạch, cắt nhỏ và cân chỉnh theo tỷ lệ phù hợp. Công đoạn tiếp theo là thêm các phụ liệu: nước, đường. Kế đến, nhóm đem nguyên liệu cho vào thùng chứa, đậy nắp kín và tiến hành ủ trong thời gian 30 ngày. “Trong quá trình ủ, lượng rác được các vi sinh vật phân hủy. Tụi mình sẽ lọc vớt phần xác nguyên liệu và giữ lại phần nước. Dung dịch tiếp tục ủ thêm trong vòng 45 ngày. Cuối cùng, chúng ta sẽ thu được sản phẩm có màu nâu sẫm và có thể sử dụng để chà sàn nhà vệ sinh, lavabo… rất hiệu quả”, bạn Vũ Linh (trưởng nhóm) cho biết.

Nhóm chia sẻ rằng, vỏ trái cây, rau, củ, quả… có chứa một phần chất axit nitric, có khả năng tẩy rửa. Các bạn tận dụng chúng vào quá trình lên men, tăng tính tẩy rửa cao hơn. Tài liệu nghiên cứu về lĩnh vực này khá ít. Nhóm nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô khoa Môi trường. Hơn 2 tháng miệt mài nghiên cứu, nhóm cho ra đời hơn 10 chai sản phẩm. “Quá trình ủ, các enzim vi sinh và hàm lượng axit tự nhiên tiết ra giúp tăng tính tẩy rửa. Tụi mình không bổ sung các hóa chất. Nước tẩy rửa sinh học do nhóm sáng tạo hoàn toàn tự nhiên. Sản phẩm không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng”, Bội Linh nói.

Thân thiện với môi trường

Trước và sau quá trình lên men, nhóm xử lý khử mùi hôi sản phẩm bằng cách phân tách riêng từng loại: Vỏ trái cây riêng, rau quả trộn riêng. Trong quá trình thực hiện, nhóm gặp trở ngại trong kỹ thuật ủ. Cụ thể, các bạn trải qua nhiều lần thất bại ở khâu canh chỉnh liều lượng giữa mật rỉ đường và lượng rác hữu cơ. Rút kinh nghiệm, nhóm thay đổi tỷ lệ, canh chỉnh thời gian sao cho phù hợp. Kết quả là nhóm sáng tạo thành công dung dich nước tẩy rửa sinh học đạt yêu cầu.


Đôi bạn sáng tạo bên cạnh sản phẩm của mình Ảnh: NVCC
Để tăng tính thuyết phục, nhóm đem sản phẩm thử nghiệm chùi sàn nhà, chà rửa nhà vệ sinh... ngay tại gia đình mình. “Tụi mình nhận được phản hồi tích cực từ thầy cô và mọi người. Việc tận dụng rác thải hữu cơ để sáng tạo nước tẩy rửa sinh học góp phần bảo vệ môi trường. Nhóm mong muốn, sản phẩm sẽ được áp dụng vào thực tế, giảm chi phí sản xuất. Sản phẩm còn có khả năng tẩy rửa cao và không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng”, Vũ Linh hào hứng nói.

Sắp tới, nhóm sẽ nghiên cứu và xử lý thêm một số công đoạn để sản phẩm được hoàn thiện về màu sắc, tăng tính kháng khuẩn. Ngoài ra, các bạn sẽ tính toán và thiết kế sản phẩm đẹp mắt hơn, ghi rõ thành phần, định lượng. Từ đó, người dùng yên tâm dùng thử. Họ không còn e dè khi biết sản phẩm sáng tạo từ rác hữu cơ.

Nhóm tận dụng cơ hội đăng ký tham gia cuộc thi sáng tạo và nhận được huy chương Bạc tại 'Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM' (lần VII, năm 2016). 'Mình nghĩ, các bạn sinh viên có niềm đam mê sáng tạo nên bắt đầu từ những ý tưởng thực tế, biết vận dụng kiến thức chuyên ngành đã học. Khi gặp khó khăn, các bạn đừng nản lòng mà cứ tiếp tục, rút kinh nghiệm, nghiên cứu và hoàn thiện nó'

Vũ Linh nhấn mạnh

Tác giả bài viết: Văn Sơn - An Nhơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP