Phóng viên VOV.VN phỏng vấn bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), Phó trưởng Ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
PV: Thưa bà, việc đổi mới giảng dạy ngoại ngữ ở các trường ĐH, CĐ đang được Bộ GD-ĐT thực hiện đến đâu trong lộ trình Đề án Dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân?
Bà Vũ Thị Tú Anh: Việc đổi mới dạy ngoại ngữ ở các trường ĐH, CĐ đã được thực hiện theo Quyết định 1400 năm 2008. Trong gần 500 trường ĐH, CĐ đã thực hiện chủ trương này có nhiều trường giảng dạy và học tập rất hiệu quả.
QĐ 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ đã xác định chuẩn đầu ra đối với sinh viên các trường ĐH, CĐ. Đối với các trường CĐ chuyên ngữ, sinh viên phải đạt 4/6 bậc (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc), hệ ĐH phải đạt 5/6 bậc.
PV: Thưa bà, việc đổi mới giảng dạy ngoại ngữ ở các trường ĐH, CĐ đang được Bộ GD-ĐT thực hiện đến đâu trong lộ trình Đề án Dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân?
Bà Vũ Thị Tú Anh: Việc đổi mới dạy ngoại ngữ ở các trường ĐH, CĐ đã được thực hiện theo Quyết định 1400 năm 2008. Trong gần 500 trường ĐH, CĐ đã thực hiện chủ trương này có nhiều trường giảng dạy và học tập rất hiệu quả.
QĐ 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ đã xác định chuẩn đầu ra đối với sinh viên các trường ĐH, CĐ. Đối với các trường CĐ chuyên ngữ, sinh viên phải đạt 4/6 bậc (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc), hệ ĐH phải đạt 5/6 bậc.
Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT)
Đối với sinh viên các trường ĐH, CĐ không chuyên ngữ yêu cầu chuẩn đầu ra phải đạt bậc 3. Đối với sinh viên học chuyên ngành bằng ngoại ngữ yêu cầu chuẩn đầu ra là bậc 4.
Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn quy định, lộ trình đạt chuẩn đầu ra đối với sinh viên chuyên ngữ và chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Bắt đầu từ năm học 2015-2016, sinh viên ở các khóa đào tạo chuyên ngữ phải đạt chuẩn đầu ra thì mới được công nhận tốt nghiệp.
Bên cạnh những kết quả giảng dạy, học tập khả quan ở những trường ĐH chuyên ngữ lớn, phần lớn sinh viên đạt được chuẩn đầu ra theo yêu cầu thì hệ thống các trường ĐH, CĐ địa phương đào tạo sinh viên vẫn còn rất khó khăn trong việc đạt chuẩn đầu ra. Vì vậy, ngành giáo dục ở các địa phương cần phải có sự tham gia tích cực hơn nữa trong việc đào tạo sinh viên sư phạm ngoại ngữ.
Hiện nay, nguồn tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ không đồng đều, thậm chí là tương đối thấp. Để đạt được kết quả ngoại ngữ tương đối đồng đều giữa các sinh viên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ trường ĐH, CĐ, từng người thầy và điều kiện giảng dạy cụ thể. Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường ĐH, CĐ giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường nhằm giúp sinh viên chủ động trong học tập để đạt được chuẩn đầu ra theo yêu cầu mới.
Cho đến nay, có một số mô hình trường thực hiện thành công trong giảng dạy tiếng Anh tăng cường như: ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), ĐH Bách Khoa TP HCM, Đại học Hàng hải. Điển hình nhất là ĐH Quốc gia Hà Nội đã chuyển việc học tiếng Anh trở thành môn xét điều kiện như môn giáo dục quốc phòng. Như vậy, họ đã xã hội hóa môn tiếng Anh và sinh viên phải có trách nhiệm học tập để đạt được chuẩn đầu ra.
Nhiều đơn vị đã tổ chức kiểm tra đầu vào rất quyết liệt và xếp lớp theo đúng trình độ, năng lực của sinh viên và thực hiện việc nâng cao chất lượng và kiểm tra đầu ra của sinh viên một cách chuyên nghiệp hơn.
PV: Nếu sinh viên học các môn khác đều đạt yêu cầu nhưng lại không đạt chuẩn đầu ra môn Ngoại ngữ thì cũng không được công nhận tốt nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này có phần “cứng nhắc”, bà nghĩ sao về việc này?
Bà Vũ Thị Tú Anh: Căn cứ vào Luật Giáo dục ĐH, việc quyết định sinh viên có được tốt nghiệp hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào các trường ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, đứng trước sức ép về sự cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực ở trong nước và hội nhập với các nước trên thế giới, các trường ĐH, CĐ phải chấp nhận thử thách này.
PV: Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam đang có đề xuất thay đổi chương trình đào tạo tiếng Anh ở các trường ĐH, CĐ. Theo đó, dự kiến trong năm đầu tiên ở bậc ĐH sẽ có khoảng 80% chương trình được dạy bằng tiếng Anh, còn lại 20% là các kiến thức cơ bản khác. Sau năm thứ nhất, một số môn học phải được giảng dạy bằng tiếng Anh. Dự kiến, chủ trương này sẽ được thí điểm tại khoảng 50 trường ĐH, CĐ trước khi thực hiện đại trà. Bà nhận định như thế nào về đề xuất này?
Bà Vũ Thị Tú Anh: Đề xuất của Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam, theo tôi, là mục tiêu rất cần thiết trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng và từng bước tham gia nền kinh tế tri thức. Đổi mới dạy học ngoại ngữ và dạy môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ là cần thiết và cấp bách.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này còn nhiều thách thức, trước hết là vấn đề đội ngũ giảng viên có thể giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ, năng lực ngoại ngữ của người học cũng như hệ thống chương trình học liệu và môi trường tiếng phục vụ việc dạy học bằng ngoại ngữ ...
Vì vậy, mỗi trường học, cơ sở đào tạo trong điều kiện dạy học cụ thể hãy tối ưu hóa các nguồn lực, có lộ trình và mục tiêu ưu tiên để đảm bảo chất lượng đào tạo, chứ không vì nóng vội triển khai thay đổi chương trình học nhanh mà lại không đảm bảo chất lượng.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Tác giả bài viết: Bích Lan