Kinh tế

SHB và những 'lùm xùm' từng liên quan đến Tân Hoàng Minh, Cocobay Đà Nẵng

Năm 2019, những 'lùm xùm' của SHB liên quan quanh việc dự án Cocobay Đà Nẵng ngừng trả lãi cho nhà đầu tư và đến 2022 là việc hủy 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Chủ đầu tư condotel Cocobay Đà Nẵng ngừng trả lãi cho nhà đầu tư

Theo đó, hồi tháng 11/2019, CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (tập đoàn Empire) phát đi thông báo liên quan đến việc ngừng thực hiện cam kết lợi nhuận với sản phẩm condotel của dự án Cocobay Đà Nẵng.

Theo thư gửi khách hàng đề ngày 23/11/2019 do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thành ký, tập đoàn Empire cho biết việc kinh doanh loại hình sản phẩm bất động sản condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có vướng mắc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án.

Sự việc gây bức xúc lớn trong dư luận, đặc biệt là các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào dự án. Đáng nói là, trong vụ việc này, không chỉ Thành Đô bị nhắc đến tên mà Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng bị cho là có liên quan.


Theo đó, lúc bấy giờ, SHB là đại diện đơn vị cấp vốn cho chủ đầu tư Cocobay, vừa là ngân hàng độc quyền cấp vốn cho các chủ sở hữu mua nhà tại dự án, đồng thời cũng là ngân hàng bảo lãnh cho dự án về mặt tiến độ.

Sau những "lùm xùm", ngân hàng SHB lên tiếng khẳng định SHB chỉ là ngân hàng tài trợ vay vốn với chủ đầu tư triển khai dự án.

Trên cơ sở dự án đầy đủ điều kiện về pháp lý theo quy định của pháp luật, SHB thẩm định dự án khả thi, hiệu quả và các điều kiện để SHB quản lý dòng tiền bán hàng, tài sản đảm bảo, tiến độ dự án, đảm bảo an toàn vốn vay với SHB.

Đối với khách hàng cá nhân mua nhà dự án, SHB cho vay trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Luật nhà ở, khách hàng cá nhân có tình hình tài chính lành mạnh, tài sản đảm bảo theo quy định, nguồn thu đủ để đảm bảo trả nợ gốc và lãi khoản vay.

SHB cũng cho rằng, đã thực hiện thẩm định, giải ngân tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định của SHB. Các khoản vay đều có tài sản đảm bảo đầy đủ theo quy định.

Liên quan vụ việc, năm 2019, condotel được cho là "vỡ trận" sau vụ chủ đầu tư dự án condotel Cocobay Đà Nẵng ngừng trả lãi cho nhà đầu tư. Thị trường condotel vốn được coi là kênh đầu tư béo bở, doanh nghiệp cam kết lãi suất hơn 14%/năm thu hút hàng nghìn nhà đầu tư bỗng trở thành “con ghẻ" trên toàn thị trường. Nhưng chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những nhà đầu tư Cocobay. Đến thời điểm này, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa đòi được tiền gốc đầu tư vào đây.

SHB liên quan gì đến vụ huỷ lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh?

Những tưởng condotel với lãi suất “trên trời” là lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư nhưng sau khi loại hình này lắng xuống, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lại bùng lên cũng với cách thức cũ: hưởng lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất khi gửi tiền ngân hàng. Sự việc hủy lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh và lãnh đạo tập đoàn này bị bắt liên quan đến trái phiếu khiến 7.000 nhà đầu tư mua trái phiếu ngậm “trái đắng”. Đến thời điểm hiện nay, sau hơn 6 tháng, nhà đầu tư vẫn mất ăn, mất ngủ vì không biết bao giờ mới nhận lại được tiền gốc.

Vụ việc Tân Hoàng Minh chưa lắng xuống, tháng 10/năm 2022, Công ty An Đông phát hành trái phiếu sai trái khiến lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố lại làm vấn đề bùng lên, khiến nhà đầu tư lo lắng.


Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã quyết định hủy 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Có liên quan đến Tân Hoàng Minh là SHB.

Ngày 5/4/2022, SHB khẳng định nhà băng này chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu SOLCH2123001 của Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, trị giá lô trái phiếu 800 tỷ đồng; và lô trái phiếu NSVCH2125001 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt, trị giá lô trái phiếu 800 tỷ đồng.

Việc SHB cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó, "Cung ứng dịch vụ thanh toán là việc cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng" – Khoản 15 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng.

Với phạm vi này, nghĩa vụ của SHB chỉ giới hạn trong nghiệp vụ cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản mà không tham gia vào giao dịch giữa các bên.

SHB rao bán tài sản thế chấp bằng dự án

Trước đó, vào tháng 4/2022, SHB phát đi thông báo rao bán khoản nợ của 1 công ty trong nhóm Tân Hoàng Minh với tài sản bảo đảm là quyền tài sản, tài sản và lợi ích khác liên quan đến 45 căn hộ chung cư thuộc dự án D'Palaisdelouis của Tân Hoàng Minh.

Ngân hàng cho biết, khoản vay được đảm bảo bằng toàn bộ quyền tài sản, tài sản và lợi ích khác của Công ty Cảnh quan Green - Art phát sinh từ hợp đồng mua bán bất động sản ký với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Tài sản bảo đảm là toàn bộ các quyền tài sản, tài sản và lợi ích khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty CP hạ tầng cảnh quan Green - Art phát sinh từ Hợp đồng mua bán bất động sản giữa công ty này với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Cụ thể, hợp đồng mua bán bất động sản giữa Green - Art và công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là 45 căn hộ chung cư thuộc các tòa chung cư nằm trong Dự án Khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, đường Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tên thương mại của dự án này là D’.Palais de Louis.

Dù SHB không thông tin chi tiết về giá mua bán khởi điểm của khoản nợ và phương thức mua bán nợ là thỏa thuận nhưng D’.Palais de Louis được giới thiệu là dự án thuộc phân khúc hạng sang của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thời gian qua.

Dự án được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích 4.791 m2, thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp, Ý cổ điển. Tòa nhà gồm có 242 căn hộ chia ra 10 loại với 10 phong cách nội thất khác nhau. Diện tích mặt bằng căn hộ từ 120,9 m2 đến 260,8 m2 và 2 căn Penthouse rộng hơn 1.000 m2. Đặc biệt, D’.Palais de Louis được giới thiệu là những căn hộ được dát vàng và trang bị những nội thất đẳng cấp thế giới.

Dự án được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành. Ra mắt thị trường năm 2012, căn hộ D'.Palais Louis được bán với mức giá lên tới 145 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 13-27 tỷ đồng/căn hộ…

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết, thị trường trái phiếu đã xuất hiện những “bom nợ” trái phiếu với những doanh nghiệp phát hành trước đây. Nghị định 65 ra đời không hấp dẫn chủ đầu tư phát hành trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư với thị trường giảm sút.

Theo ông Vũ Đình Ánh, cơ quan quản lý giờ phải tìm lối thoát cho doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu, đặc biệt là với những doanh nghiệp có trái phiếu sắp đến thời kỳ đáo hạn. “Phải đảm bảo khả năng trả nợ cho nhà đầu tư nếu không thị trường trái phiếu sẽ sụp đổ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà nó còn tác động đến cả thị trường chứng khoán”, ông Ánh nói.

Ông Ánh cho biết, nhiều người nghĩ rằng, doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường đều có vấn đề sau hàng loạt những vụ việc xảy ra. Vì vậy, nếu doanh nghiệp phát hành thêm trái phiếu sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. “Doanh nghiệp sai phạm sẽ bị xử lý nhưng cần khéo léo tránh ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường. Giờ cần tìm lối thoát cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đến thời kỳ đáo hạn từ nay đến cuối năm, thậm chí đến quý I năm sau khi số tiền đáo hạn khá lớn, lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng”, ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, giải pháp trước mắt là gia hạn, tức là cho phép doanh nghiệp thay đổi kỳ hạn trái phiếu đã phát hành, chẳng hạn từ 3 năm lên 5 năm. Gia hạn để doanh nghiệp chống chịu, vượt qua được qua khó khăn để có thể trả nợ. Tất nhiên, việc này phải được sự thống nhất của các trái chủ và được tiến hành công khai, minh bạch qua thương thảo giữa nhà phát hành và trái chủ.

Báo cáo từ FiinRatings cho thấy, tính đến cuối năm 2022, 17 trong tổng số 28 ngân hàng được thống kê đang nắm giữ 187,7 nghìn tỷ đồng TPDN. Con số này tương đương gần 8 tỷ USD, giảm 13% so với cuối năm 2021.

Trong đó, có những cái tên đang sở hữu nhiều trái phiếu nhất không có sự thay đổi đáng kể so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, MB trở thành ngân hàng nắm giữ trái phiếu nhiều nhất hệ thống với hơn 43,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Nhà băng này hiện cũng là chủ nợ lớn nhất của Novaland. Dư nợ của Novaland tại MB đạt gần 12.000 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ của ngân hàng.

Techcombank lùi về vị trí á quân sau khi giảm 34,5% giá trị TPDN đang nắm giữ, từ 62,6 nghìn tỷ đồng về còn hơn 41 nghìn tỷ đồng vào cuối năm trước.

Giá trị TPDN mà VPBank và TPBank lần lượt nắm giữ tăng 18% và 16% so với cuối năm 2021, nâng giá trị TPDN đang nắm giữ của 2 ngân hàng này lên xấp xỉ 32,9 nghìn tỷ đồng và 21,6 nghìn tỷ đồng.

Tổng giá trị TPDN do top 5 (MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB) nắm giữ đã chiếm đến 81% tổng giá trị của 17 ngân hàng cộng lại.

Tác giả: Bảo Khánh (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP