Kinh tế

Sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp ô tô về khó khăn của Nghị định 116

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, đầu tuần tới (dự kiến 26/2), lãnh đạo Văn phòng Chính phủ sẽ họp bàn, đối thoại với đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các đại sứ quán về các phản ánh liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116 về ô tô và Thông tư 03 của Bộ GTVT.

Cụ thể, dự kiến cuộc họp sẽ có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu; Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Phòng Thương mại Châu Âu cùng đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ đối thoại với doanh nghiệp ô tô.

Văn phòng Chính phủ đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hai văn bản nói trên, đề xuất các giải pháp cụ thể xử lý khó khăn, vướng mắc; thông lệ quốc tế, kinh nghiệm của các nước liên quan đến vấn đề này.

Được biết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng sẽ chủ trì cuộc họp này.

Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành ngày 17/10/2017. Sau khi ban hành, Nghị định này đã nhận được những ý kiến phản hồi từ phía các doanh nghiệp, trong đó đề nghị sớm có Thông tư hướng dẫn.

Tận đầu năm 2018, Bộ GTVT mới ban hành Thông tư 03/2018 nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến về Thông tư này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức chiều 2/2, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về những giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp ô tô liên quan đến Nghị định 116, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đã nhận được thư, ý kiến của cơ quan và đề nghị xem xét chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét lại Nghị định 116.

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VBF) diễn ra cuối năm 2017, nhóm công tác ô tô, xe máy cùng các doanh nghiệp ô tô xe máy đã khẳng định nhiều quy định của Nghị định 116 của Chính phủ tạo khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm Công tác Ô tô và Xe máy: Nghị định 116 yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu dù cho cùng chung dòng xe, đơn hàng, các doanh nghiệp (DN) ô tô không thể tuân thủ được quy định này.

Việc cùng một kiểu loại xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm lại nhiều lần về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu không có ý nghĩa, gây thiệt hại. "Quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng, và chỉ làm lãng phí thêm thời gian (lên tới 2 tháng) và làm tăng chi phí (lên tới 10 nghìn USD) cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng", Nhóm công tác trên khẳng định.

Mới đây, các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản có liên doanh lắp ráp và thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam đã tuyên bố ngừng nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc về Việt Nam. Bằng chứng là từ đầu tháng 1 đến giữa tháng 2/2018, số lượng xe ô tô nhập nguyên chiếc về Việt Nam tụt giảm rất mạnh.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP