Giáo dục

Sẽ giảm người học tiến sĩ

Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã nâng một loạt tiêu chuẩn 'đầu vào' và 'đầu ra' của trình độ đào tạo này.

Các tân tiến sĩ trong ngày trao bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội năm 2016 - Ảnh: BÙI TUẤN

Liệu mức độ đổi mới đã hội nhập với quốc tế hay vẫn “phù hợp với điều kiện VN”? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, cho biết:

- Quy chế mới hướng đến việc khắc phục những bất cập của quy định hiện hành. Để phát huy tính tự chủ của các cơ sở đào tạo, quy chế của bộ không còn sa vào các quy định chi tiết về thủ tục hành chính hay nghiệp vụ quản lý đào tạo theo dạng “cầm tay chỉ việc” như trước.

Mục tiêu quan trọng của sự thay đổi này là nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế, và phát huy tính tự chủ của các trường theo đúng Luật giáo dục ĐH.

Đảm bảo tin cậy, 
không dùng chứng chỉ ngoại ngữ trong nước

* Vì sao quy chế chỉ chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, mà không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ do các cơ sở đào tạo trong nước cấp?

- Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng quy chế tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN.

Ngoài ra, bộ cũng đang lập đề án thành lập trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia. Vì vậy, hiện chưa đủ điều kiện để giao nhiệm vụ tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của VN cho đơn vị nào.

Các chứng chỉ ngoại ngữ do các cơ sở đào tạo trong nước cấp chủ yếu là chứng chỉ của cơ sở đào tạo. Chất lượng các chứng chỉ này còn khác nhau, phụ thuộc vào uy tín và chất lượng của từng cơ sở cấp chứng chỉ, nên chưa được sử dụng chung trong đào tạo trình độ tiến sĩ.

Để đảm bảo độ tin cậy của chứng chỉ ngoại ngữ và đánh giá đúng được thực lực người dự tuyển, trước mắt quy chế sử dụng các chứng chỉ đã được quốc tế thừa nhận như IELTS, TOEFL... đối với tiếng Anh và chứng chỉ tương đương của các ngoại ngữ khác.

Quy chế cũng chấp nhận bằng ĐH các ngành ngôn ngữ nước ngoài ở trong nước hoặc bằng ĐH, thạc sĩ học toàn thời gian ở nước ngoài, như là một trong những minh chứng về trình độ ngoại ngữ đầu vào của người dự tuyển, cho đến khi chúng ta có trung tâm khảo thí quốc gia để đánh giá và cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiệm cận với quốc tế.

* Quy định cũ yêu cầu đầu ra của bậc tiến sĩ đạt trình độ B2. Nhưng quy định mới chỉ yêu cầu nghiên cứu sinh đạt IELTS 5.0. Điều kiện ngoại ngữ này có đủ để nghiên cứu và viết bài báo khoa học đăng tạp chí quốc tế?

- Ban soạn thảo đã dựa vào phân tích của những tổ chức khảo thí, thực hiện các kỳ kiểm tra đánh giá các chứng chỉ ngoại ngữ đã được quốc tế công nhận để xác định mức độ tương đương.

Cần hiểu rõ IELTS, TOEFL là bài thi ngoại ngữ đánh giá trình độ ngoại ngữ theo thang điểm liên tục, còn khung tham chiếu của châu Âu mô tả các trình độ ngoại ngữ qua các mức. So sánh kết quả đánh giá theo thang điểm và các mức theo khung tham chiếu được thực hiện một cách tương đối, mỗi mức tương đương với một dải điểm.

Nghiên cứu của tổ chức thi IELTS cho thấy ngưỡng tối thiểu của B2 khung tham chiếu châu Âu nằm giữa 5.0 và 5.5 trên dải thang điểm của IELTS. Vì vậy, quy chế quy định mức điểm tối thiểu người học đạt IELTS 5.0 được coi là tương đương B2.

Tất nhiên, đây là quy định chung ở mức tối thiểu ứng viên dự tuyển cần đạt được. Còn lại, tùy vào yêu cầu cụ thể của ngành đào tạo và của nhà trường mà các cơ sở giáo dục có thể tăng mức tiêu chuẩn cao hơn.

Với trình độ ngoại ngữ như yêu cầu đặt ra, nghiên cứu sinh có thể đọc hiểu tài liệu, vận dụng trong nghiên cứu và tiếp tục trau dồi thêm để phát huy hơn nữa trong lĩnh vực chuyên môn sâu của mình.

Giải quyết “tồn tại 
lịch sử”?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Ảnh: V.DŨNG

* “Thầy phải ra thầy” nhưng tiêu chuẩn người hướng dẫn và thành viên hội đồng lại khá dễ dãi... Có phải bộ muốn giải quyết những “tồn tại lịch sử” khi nhiều PGS, GS chưa đạt chuẩn tiến sĩ theo quy chế mới?

- Đúng là người thầy cần tiêu chuẩn cao hơn, để tạo động lực cho trò, để hỗ trợ nghiên cứu sinh trong quá trình học tập và đăng bài quốc tế sau này.

Quy chế mới không chỉ nâng tiêu chuẩn của nghiên cứu sinh mà cũng đặc biệt quan tâm đến trình độ, uy tín của người hướng dẫn, người phản biện trong hội đồng đánh giá luận án cấp trường, viện. Tất cả đều phải có bài báo quốc tế ở phạm vi khác nhau.

Trong quy chế mới, hội đồng đánh giá có tối thiểu 5/7 thành viên phải có chức danh GS, PGS. Trong dự thảo về tiêu chuẩn xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS mà bộ đang xây dựng để trình Thủ tướng cũng bắt đầu yêu cầu ứng viên các chức danh này phải có những công trình công bố trên tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI-Scopus.

Những người có bằng tiến sĩ mà chưa có chức danh GS, PGS phải có thêm bài báo trên các tạp chí này mới được hướng dẫn độc lập.

Song việc đổi mới cần thiết có lộ trình, cần những điều kiện cụ thể cho giai đoạn chuyển tiếp. Điều kiện đối với người hướng dẫn, thành viên hội đồng, người phản biện không chỉ được điều chỉnh ở quy chế này mà còn bị ràng buộc trong quy định mới về tiêu chuẩn xét công nhận chức danh GS, PGS sẽ được ban hành trong thời gian tới.

* Theo bà, tác động của quy chế này đến hoạt động đào tạo hiện nay ra sao? Tiêu chuẩn mới có làm sụt giảm lượng người học tiến sĩ?

- Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo là cần thiết, nhưng phải giảm thiểu những tác động không tích cực đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng của quy chế.

Những thay đổi của quy chế mới chỉ liên quan đến những quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng. Còn trong thực tế, việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nguồn lực tài chính, ý thức xã hội về việc học tiến sĩ... mà ở phạm vi của quy chế tuyển sinh và đào tạo thì không thể giải quyết hết được.

Vì vậy, những quy định trong quy chế này cần đảm bảo phát huy tác động ở mức tối đa trong thực tế, để hỗ trợ cho những đổi mới tiếp theo.

Chắc chắn khi thực hiện quy chế, quy mô tuyển sinh người học tiến sĩ sẽ giảm, vì những cá nhân có nhu cầu cần thời gian chuẩn bị về ngoại ngữ và chuyên môn; các cơ sở đào tạo cũng cần có thời gian để điều chỉnh chương trình, cải thiện trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ.

Tuy nhiên với sự thay đổi như vậy, chất lượng đào tạo tiến sĩ chắc chắn sẽ được cải thiện, tạo dựng niềm tin của xã hội.

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP