Chủ tịch nước nhấn mạnh, đội ngũ GS-PGS có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đúc kết lý luận, dự báo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề thiết thực liên quan đến phát triển bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giảng dạy, truyền bá kiến thức, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch nước mong muốn các GS, PGS bằng tất cả tâm huyết, nghị lực, trí tuệ, danh dự và trách nhiệm của mình, không ngừng rèn luyện, phấn đấu, xứng đáng là những tấm gương sáng trong lao động sáng tạo, ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.
* Trước đó, cùng ngày, tại Hà Nội, Hội đồng chức danh GS nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho 703 nhà giáo. Trong đó, 65 người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, 638 người đạt tiêu chuẩn PGS.
Theo báo cáo của GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước, trong số những người được công nhận đạt tiêu chuẩn GS năm nay thì giảng viên trong các trường đại học và học viện chiếm 73,85%. Có sự mất cân đối nghiêm trọng về lực lượng đội ngũ nhà khoa học đủ điều kiện được công nhận GS, PGS giữa các địa phương. Cụ thể, trong tổng số 703 GS và PGS, riêng Hà Nội chiếm 66,43%, TP.HCM 13,80%, các tỉnh thành khác 19,77%.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đang phối hợp với Hội đồng chức danh GS nhà nước và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo văn bản mới thay thế quyết định hiện hành của Thủ tướng quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Dự thảo văn bản mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận với cách làm và chuẩn mực của các nước có nền giáo dục tiên tiến theo lộ trình thích hợp với thực tiễn VN.
Tác giả bài viết: Quý Hiên – TTXVN
Nguồn tin: