Hôm qua (3/1), tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - nhắc lại nhiều lần về trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong vấn đề bảo đảm trật tự ATGT.
Năm 2017, toàn quốc xảy ra hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết gần 8.300 người, bị thương hơn 17.000 người. So với năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 23 người ra khỏi nhà và không bao giờ trở về nữa.
Theo đánh gia của Ủy ban ATGT Quốc gia, công tác đảm bảo trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra 70 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt, vẫn còn 4 địa phương, TNGT tăng cả 3 tiêu chí và 15 địa phương tăng số người chết vì TNGT.
Nguyên nhân xảy ra TNGT do cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn chưa quyết liệt; một bộ phận người thực thi công vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh tới trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong đảm bảo trật tự ATGT |
Qua dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, đối với các vụ TNGT nghiêm trọng, lái xe đều tắt thiết bị, cố tình vi phạm tốc độ. Hiện có 20% doanh nghiệp vi phạm tốc độ, cố tình không truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong khi đó tỷ lệ các tỉnh mới chỉ xử phạt vi phạm qua dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình chỉ 10% so với số xe vi phạm.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an - đề cập tới việc kiểm soát tải trọng xe hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Theo Thứ trưởng Bộ Công an, chỉ khi rõ ràng, cụ thể mới có hiệu quả, vì thế cần phải giao cụ thể cho 2 cá nhân chịu trách nhiệm chính ở các địa phương là Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Sở GTVT, phân rõ địa bàn, vị trí tuyến đường cụ thể cho từng lực lượng, 2 cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh.
Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình một lần nữa nhấn mạnh về việc gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được các Bộ, ngành, đoàn thể và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.
“Một số nơi còn tình trạng cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị chức năng chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, để tồn tại hiện tượng buông lỏng trong quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật, dung túng vi phạm, tiêu cực, làm trái quy định, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô chở khách theo hợp đồng, bến bãi đường bộ, bến thuỷ nội địa không phép, hành lang ATGT” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng, việc đề cao xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để TNGT diễn biến phức tạp trên địa bàn chúng ta cũng mới chỉ nói chứ chưa xử lý thật sự. “Trên nói nhưng dưới không động đậy, vì vậy năm 2018 sẽ không nói nữa mà phải xử lý nghiêm. Sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo ATGT” - Phó Thủ tướng kiên quyết.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương phải ban hành quy định xử lý trách nhiệm cụ thể người đứng đầu các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí