Kinh tế

Sầu riêng Việt thần tốc 'đánh chiếm' thị trường tỷ dân Trung Quốc

Năm 2023 là năm đáng nhớ đối với xuất khẩu sầu riêng. Với giá trị xuất khẩu lên tới gần 2,2 tỷ USD, sầu riêng Việt Nam đã vươn lên thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1. Tính đến hiện tại, Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất với mức thu mua lên tới 90% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam…

Với sự tăng trưởng nhảy vọt, sầu riêng Việt Nam đang dần khẳng định vị thế tại Trung Quốc

Năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng 69% so với năm 2022. Con số này cho thấy mức độ tiêu thụ vô cùng lớn và niềm yêu thích ngày càng cao của thị trường tỷ dân này đối với trái sầu riêng. Bên cạnh đó, cùng với sự tăng trưởng nhảy vọt, sầu riêng của Việt Nam đang dần “lấn lướt” Thái Lan, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

Tăng trưởng nhảy vọt

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ kết quả đó, sầu riêng đã vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1.

Tại thị trường trong nước, đầu năm 2023, giá sầu riêng Ri6 và Monthong lập kỷ lục lịch sử khi thương lái gom mua tại vườn ở mức 160.000 - 200.000 đồng/kg.

Vào tháng 9/2023, thủ phủ sầu riêng lớn nhất cả nước Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch rộ, giá bán tăng vọt. Giá sầu riêng trung bình ở vùng này thấp hơn ở khu vực miền Nam nhưng nông dân trồng sầu cũng lãi từ 0,8 - 1 tỷ đồng/ha.

Tại Đắk Lắk, thời điểm đó năm 2022, sầu Thái Dona giá chỉ khoảng 55.000 đồng/kg, năm 2023 có giá 80.000 - 90.000 đồng/kg thu mua tại vườn. Sản lượng sầu riêng năm 2023 tại đây đạt trên 214.000 tấn. Với giá bán dao động từ 55.000 - 75.000 đồng/kg, doanh thu từ sầu riêng đạt con số kỷ lục gần 15.000 tỷ đồng.

Thời điểm hiện tại, giá sầu riêng Monthong mua xô tại vườn đang ở mức 150.000 - 160.000 đồng/kg, còn giống Ri6 là 100.000 - 110.000 đồng/kg.

Tại miền Tây, giá sầu riêng loại A (loại 2kg - 5,2kg) là 184.000 đồng/kg. Thậm chí, với loại A lớn nhất có giá lên tới gần 1 triệu đồng/trái. Đây là mức giá cao nhất kể từ hồi tháng 2/2023, khi sầu riêng miền Tây chớm mức 200.000 đồng/kg.

Hay sầu riêng Tiền Giang tại vườn hiện có giá từ 130.000 - 135.000 đồng/kg tùy loại, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Với năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/ha bình quân, mỗi ha thu hoạch đúng thời điểm cho nông dân nguồn thu kỷ lục từ 2,6 tỷ đồng trở lên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, tổng diện tích sầu riêng của cả nước là 112.000 ha. Sản lượng thu hoạch khoảng 840.000 tấn. Tuy nhiên, Việt Nam mới đang thu hoạch trên diện tích khoảng hơn 60.000 ha, còn lại khoảng 51.000 ha sẽ được thu hoạch trong năm 2024.

Về thị trường xuất khẩu, sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đến 24 thị trường, sầu riêng đông lạnh cũng đã xuất khẩu đến 23 thị trường. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu trái cây này của nước ta.

Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của Việt Nam

Bên cạnh Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng tươi sang Cộng hòa Séc tăng 28.195,4%, Papua New Guinea tăng 837,6%, Mỹ tăng 282,8%, Canada tăng 222% và Pháp tăng 32%.

Đặc biệt, Thái Lan là quốc gia trồng và xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới cũng đã chi 96,9 triệu USD để mua sầu riêng Việt Nam trong tháng 11/2023. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vì nước ta thu hoạch sầu riêng quanh năm, trong khi Thái Lan thu hoạch theo mùa nên nước này đã phải nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam.

Ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, nước ta còn xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy… Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, sầu riêng đông lạnh là mặt hàng rất tiềm năng, thuộc nhóm sản phẩm chế biến áp dụng công nghệ cao, thời gian bảo quản lâu hơn nhiều so với sầu riêng tươi và tránh được nhiều rủi ro về kiểm dịch thực vật.

Dần đánh chiếm thị trường tỷ dân

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng 69% so với năm 2022. Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng vọt trong năm 2023 nhưng nhà cung cấp chính của nước này là Thái Lan đã mất thị phần khi quốc gia tỷ dân bật đèn xanh nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam và Philippines.

Theo đó, tỷ trọng nhập khẩu sầu riêng Thái Lan đã giảm từ gần 100% vào năm 2021 xuống còn 95,4% trong năm 2022. Đến năm 2023, tỷ trọng tiếp tục giảm xuống gần 68%.

Bên cạnh đó, sau khi được cấp phép, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng từ mức gần 0 lên 4,6% thị phần, sau đó tăng vọt lên 31,8% vào năm 2023.

Trung Quốc đã thu mua tới 90% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu đã tăng vọt từ 188,1 triệu USD vào năm 2022 lên 2,1 tỷ USD trong năm 2023.

Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh khi hai nước ký nghị định thư vào tháng 7/2022.

Từ xuất khẩu tiểu ngạch, sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, các vùng trồng sản xuất, đóng gói theo tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc nên số lượng xuất khẩu ngày càng tăng.

Việt Nam cũng có những ưu thế so với các nước xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc như có diện tích lớn, sầu riêng ở các nước chỉ có theo mùa còn Việt Nam thu hoạch quanh năm nên lúc nào cũng có hàng xuất khẩu.

Cùng với đó là vị trí địa lý thuận tiện, việc vận chuyển sầu riêng từ vùng trồng ở nước ta sang Trung Quốc gần, chỉ mất 1,5 ngày. Nhờ đó, sầu riêng đảm bảo tươi ngon, chi phí vận chuyển lại rẻ hơn so với Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Là doanh nghiệp có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, đối với thị trường Trung Quốc, khả năng tiêu thụ sầu riêng vẫn còn rất lớn vì mới chỉ hơn 10% dân số nước này biết ăn sầu riêng và nhiều người trong số đó mới chỉ được ăn 1 - 2 lần.

"Ở Trung Quốc, thống kê đến nay chỉ có 10% người dân ăn sầu riêng, do giá quá đắt. Nếu giá xuống 50.000 đồng/kg, người dân Trung Quốc vẫn ăn."

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Bầu Đức thông tin, diện tích sầu riêng của HAGL năm 2024 sẽ cho thu hoạch ít nhất 300 - 400 ha. Đây là phần diện tích cho thu hoạch năm đầu tiên nên sản lượng bình quân chỉ khoảng 10 tấn/ha. Phần diện tích cho thu hoạch này chủ yếu nằm ở Lào, thời điểm thu hoạch vào khoảng tháng 10 và 11.

Đồng thời, sầu riêng thu hoạch trong thời gian trên là vụ nghịch tự nhiên nên giá bán rất cao, chắc chắn phải trên 100.000 đồng/kg, hiện nay đến 150.000 đồng/kg. Năm 2024, công ty của ông sẽ bán trực tiếp cho các nhà phân phối của Trung Quốc chứ không bán qua thương lái như năm 2023.

Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc đã có quy định tất cả diện tích trồng sầu riêng phải có mã số vùng trồng và không được trồng xen với cà phê hay bất cứ cây trồng nào khác, nếu trồng xen sẽ không được phép xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc yêu cầu sầu riêng của Việt Nam phải đáp ứng yếu tố chuyên canh mới được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang nước họ. Nếu người dân thấy sầu riêng xuất khẩu mang lợi nhuận cao hơn cà phê thì có quyền chặt bỏ cây cà phê giữ lại cây sầu riêng, khi nào giá cà phê cao lên thì trồng lại. Trong quá trình bán sầu riêng, nông dân bắt đầu ươm giống cây cà phê lại cũng mất từ 1 - 2 năm sau đó đưa ra vườn sầu riêng trồng cũng phải mất từ 3 - 4 năm cà phê mới cho trái.

Đến lúc đó sầu riêng đã khai thác khoảng 8 năm, biết đâu lúc này Trung Quốc chấp nhận sầu riêng trồng xen thì tốt. Không thì vườn sầu riêng cũng đã khai thác trên dưới 8 năm, năng suất bắt đầu đi xuống. Đây chính là tư duy kinh tế nông nghiệp mà Bộ đang khuyến khích người nông dân.

Ngoài ra, trong chuyến làm việc mới đây tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, khi đến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Đông, đoàn công tác nhận thấy sầu riêng Việt Nam được phía bạn đánh giá rất cao. Nhưng khi gặp gỡ, phía Trung Quốc đã than phiền rằng nhiều sản phẩm không có ngày sản xuất, chất lượng sầu riêng có một số lô không đảm bảo đã ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của người buôn bán.

“Phía bạn cảnh báo, nếu ngành sầu riêng của chúng ta không chú trọng vào chất lượng hàng hóa và mẫu mã sẽ đánh mất tiềm năng. Vì sắp tới có khả năng phía bạn sẽ cho phép một số nước khác xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Do đó, những hộ nông dân đang trồng sầu riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đến đảm bảo chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang Trung Quốc, để sầu riêng Việt Nam có thể đứng vững ở thị trường này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tác giả: Ngọc Nhi

Nguồn tin: thuonggiaonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP