Một hội nghị về lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức gần đây (Ảnh: Bộ TNMT). |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Sau hơn 3 năm thực hiện, công tác quản lý đất đai đã đạt được những hiệu quả: Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai giữa Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013; không để ách tắc gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tập trung xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai…
Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai đã hạn chế được giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực, tránh được lãng phí trong việc sử dụng đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất.
Công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất đã được tăng cường về số lượng; điều chỉnh về đối tượng, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; coi trọng việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và công khai kết quả thực các kết luận thanh tra.
“Kết quả đã góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật đất đai và khắc phục kịp thời nhiều tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất. Đã chú trọng cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai và giảm tối đa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ công việc và sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng”- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận.
Tuy vậy, thực tiễn thi hành Luật Đất đai vẫn còn những tồn tại, bất cập như: Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác và phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.
“Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%) là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội…”- cơ quan này nêu thực tế.
Hơn nữa, để đồng bộ với Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 là cần thiết.
Sửa đổi 5 nhóm vấn đề lớn
Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm vấn đề chính như sau:
-Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất có rừng; giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và hình thức chỉ định; người sử dụng đất;… để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nói chung, sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật đất đai, Luật quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở,….
-Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc chuyển dịch đất đai như thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
-Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể sẽ tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhận; điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; các quy định để người sử dụng đất thực hiện các quyền một cách thuận lợi, tạo điều kiện để thị trường quyền sử dụng đất nói chung, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng phát triển.
-Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính đất đai, giá đất nhằm một mặt giải quyết những ách tắc trong tổ chức thực hiện, khắc phục tình trạng lợi dụng trục lợi, tham nhũng từ đất đai; mặt khác nhằm đảm quyền lợi cho người dân, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhằm triệt để cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí