Tin địa phương

Sau đợt mưa lớn, nhiều tuyến đê, kè dọc sông Gianh bị sạt lở

Đợt mưa lớn vừa qua đã làm sạt lở một số đoạn bờ sông, hư hỏng đê kè dọc sông Gianh, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, dự án kè chống xói lở bờ sông trị giá 73 tỷ đồng tại xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa đang triển khai dang dở đã bị hư hỏng, biến dạng và xuất hiện nhiều điểm sụt lún.

Tình trạng sạt lở diễn ra tại khu vực giáp ranh giữa thôn Đồng Lâm và thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa. Tại đây, nhiều đoạn bờ sông đổ sập, kéo theo đất cát xuống lòng sông. Một số điểm sạt lở chưa được kè kiên cố đã ăn sâu gần trục đường giao thông nông thôn. Sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, các vệt nứt xuất hiện chạy dài theo bờ sông và đang đe dọa lấy đi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân.

Đoạn kè thi công được khoảng 700m, còn hơn 200m còn lại bị dừng thi công cho đến nay

Ông Nguyễn Văn Song, ở thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, mưa lũ làm hư hỏng đoạn kè chống sạt lở đang xây dựng dang dở, uy hiếp đất đai, nhà cửa của người dân: “Quá trình thi công làm kè đến nay chưa hoàn thiện. Mưa lũ còn nhỏ thôi, mức độ mưa cũng vừa phải nhưng hiện nay đã có những chỗ xảy ra sạt lở rồi. Thấy sạt lở như vậy thì dân rất lo”.

Điểm sạt lở trên sông Gianh ở đoạn kè chống sạt lở qua xã Đức Hóa dài hơn 100m, rộng từ 1,5m - 3m, cao khoảng 1,5m - 4m. Đoạn kè thuộc dự án khôi phục khẩn cấp kè chống sạt lở bờ sông xã Đức Hóa được triển khai từ năm 2021. Tuy nhiên, khi làm đến vị trí này thì đơn vị thi công tạm dừng. Sạt lở không chỉ xảy ra ở vị trí chưa thi công, mà còn diễn ra ngay trên chính đoạn kè đã hoàn thành qua thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa. Trên đoạn kè đã xây này xuất hiện nhiều điểm sụt lún ở mái kè tạo thành những hố sâu, phần mái bị biến dạng.

Đoạn kè sạt lở nặng, tạo hàm ếch ở phía dưới

Đoạn kè thi công chưa hoàn thiện thì xảy ra sạt lở, sụt lún

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, khu vực đã thi công hoàn thành bị sụt lún mái kè đá hộc 6 khuông, trong đó có 4 khuông sụt lún nghiêm trọng, ước tính khối lượng khoảng 45 mét khối.

“Có một số điểm sạt lở rất nghiêm trọng, đặc biệt là tại các vị trí đã giải phóng mặt bằng rồi mà chưa thi công. Còn chỗ đã thi công kè rồi thì một số điểm bị sạt, lún xuống. Khi có mưa lũ, chính quyền địa phương cử cán bộ đến trực tiếp, tuyên truyền người dân nếu như sạt lở tiếp tục xảy ra thì phải di dời. Thời gian tới, mong chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục những chỗ sạt lở, tiếp tục đầu tư, thi công những đoạn kè đã giải phóng mặt bằng mà chưa thi công”, ông Lợi cho biết.

Sạt lở ăn sâu, lấy đi nhiều diện tích đất sản xuất

Dự án khôi phục khẩn cấp kè chống sạt lở bờ sông xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa có tổng nguồn vốn 73 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư. Gói thầu đoạn qua thôn Phúc Tùng và một phần thuộc thôn Đồng Lâm dài hơn 900m, do liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành - Công ty TNHH Xây dựng Thái An thi công. Sau khi thực hiện khoảng 700m, còn hơn 200m đơn vị thi công dừng lại cho đến nay. Dự án lấy từ nguồn ngân sách dự phòng trung ương năm 2019, cho gia hạn thêm 1 năm và bắt đầu triển khai vào năm 2021, do hết thời hạn công trình này chưa xong dẫn đến nguồn vốn bị cắt.

Tỉnh Quảng Bình có 280km đê, kè trong đó 1 tuyến đê biển, 11 tuyến đê ven sông. Hệ thống đê điều này có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ sớm, lũ tiêu mãn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Hệ thống công trình đê, kè tại địa phương này được xây dựng từ lâu, thường xuyên chịu tác động của mưa lũ, bão dẫn đến sạt lở. Các tuyến đê, kè dọc 2 bờ của các hệ thống sông Gianh, Roòn, Lý Hòa, Nhật Lệ, Kiến Giang, Lệ Kỳ đang hư hỏng, xuống cấp, một số nơi xảy ra các sự cố sạt lở, mất an toàn. Việc duy tu, bảo dưỡng và xử lý các sự cố đê điều đang xuống cấp là nhiệm vụ cấp bách nhằm tăng cường khả năng chống bão lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Vừa qua Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình thống nhất trích kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều.

Người dân lo lắng khi đoạn kè bảo vệ thôn xóm bị sạt lở, sụt lún sau trận mưa vừa qua

Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, do thiếu kinh phí nên các hoạt động duy tu, bảo dưỡng chưa được tiến hành thường xuyên, chủ yếu là khắc phục tạm thời các sự cố khẩn cấp.

“Chi cục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng đê điều thường xuyên để tránh việc xuống cấp của các tuyến đê. Hằng năm, có thể duy tu các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn. Các xã, phường, các huyện cũng xây dựng phương án hộ đê nếu trong tình huống sự cố xảy ra thì địa phương trước mắt phải kịp thời khắc phục để đảm bảo an toàn”, ông Tiến cho biết thêm.

Tác giả: Thanh Hiếu

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP