Không khắc phục sạt lở?
Công trình Đập phụ, kênh thông hồ và kênh tưới tiêu Châu Bình nằm trong hợp phần tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Hồ chứa nước Bản Mồng với mức phí được phê duyệt 756 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại công trình đã hoàn thành trên 98% các hạng mục công trình.
Theo quy định của Luật Xây dựng 2003 tại khoản 2 Điều 76: “Chủ đầu tư xây dựng công trình có nghĩa vụ mua bảo hiểm công trình xây dựng”. Ngày 12/9/2014, BQLDA Bản Mồng đã ký hợp đồng bảo hiểm số 09/2014/BHXD với TCty Bảo Việt - Cty Bảo Việt Lâm Đồng (trụ sở 8C, đường 3/4, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Tổng mức phí 3.745.146.000 cho giá trị bảo hiểm công trình tối đa 605.277.061.000 đồng đối với dự án đập phụ, kênh thông hồ và kênh tưới tiêu Châu Bình.
Vào khoảng tháng 3 đến tháng 9 /2016, kênh tưới tiêu Châu Bình bị 3 lần sạt lở. BQLDA Bản Mồng đã thông báo sự cố sạt lở cho Bảo Việt Lâm Đồng để tiến hành giám định thiệt hại.
Theo biên bản giám định của CTCP Giám định (Cty GĐ) Thái Dương, nguyên nhân sạt lở theo khai báo của người được bảo hiểm và đơn vị thi công là do mưa lũ. Bên giám định đề nghị các cơ quan liên quan công trình lập và phê duyệt biện pháp xử lý để khắc phục các tổn thất để đảm bảo tiến độ công trình và hạn chế các tổn thất phát sinh, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Ngày 16/11/2016, đại diện các bên liên quan gồm: Sở NN&PTNT Nghệ An, BQLDA Bản Mồng, TCty Bảo Việt, Cty GĐ Thái Dương, CTCP tư vấn thiết kế hạ tầng cơ sở, Nhà thầu thi công đã tiến hành thảo luận, bàn bạc các nội dung hợp đồng bảo hiểm, biên bản giám định tổn thất và thực tế hiện trường.
Các bên thống nhất các nội dung để thực hiện lập hồ sơ khắc phục tổn thất kênh tưới tiêu Châu Bình và tiến hành các thủ tục bảo hiểm như sau: Phần khối lượng thực tế tại hiện trường mà nhà thầu thi công xong nhưng bị hư hỏng, thiệt hại bao gồm: Toàn bộ khối lượng đất mái kênh bị sạt lở và các khối lượng bê tông rãnh dọc, ngang gia cố mái, cống tiêu nước, gia cố cầu bị hư hỏng cần phải khắc phục để bảo vệ công trình; Đề nghị đơn đơn vị tư vấn thiết kế sớm tiến hành lập hồ sơ thiết kế phần gia cố mái đoạn bị sạt lở từ km0 + 887 đến km5 + 4,69 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đơn vị thi công căn cứ vào hồ sơ thiết kế khắc phục tổn thất được phê duyệt để tiến hành thi công, khắc phục và nghiệm thu; BQLDA Bản Mồng chuyển toàn bộ hồ sơ khắc phục tổn thất và các hồ sơ liên quan đến Cty GĐ Thái Dương để tính toán bồi thường theo quy định của hợp đồng bảo hiểm.
Mặc dù đã có biên bản thống nhất như trên nhưng theo thông tin chúng tôi có được thì hiện chưa có phương án khắc phục sự cố sạt lở kênh tưới tiêu Châu Bình mà để mái kênh sạt lở tự nhiên.
Vướng mắc khâu bồi thường
Thực tế, nhiều hợp đồng bảo hiểm công trình không được bồi thường khi xảy ra tổn thất bởi người mua bảo hiểm không tuân thủ điều khoản cam kết trong hợp đồng bảo hiểm. Hoặc hợp đồng thiếu chặt chẽ gây bất lợi cho người mua bảo hiểm. Đối với Hợp đồng bảo hiểm kênh tưới tiêu Châu Bình, theo ông Đinh Trí Lam, Phó BQLDA Bản Mồng thì bên Bảo Việt Lâm Đồng đã chấp thuận, nhưng phải khắc phục sự cố xong mới mới xem xét bồi thường?
Trở lại phương án khắc phục sự cố, hiện các nhà khoa học, các bên liên quan đã đưa ra 6 phương án nhưng đến thời điểm hiện tại không hề có phương án nào được phê duyệt bởi khó lường hết nguy cơ sạt lở phát sinh sau khi đã khắc phục sự cố ban đầu. Mặt khác, như đã thông tin thì hiện nay đã có “ chỉ đạo” để sạt lở và dòng kênh hình thành tự nhiên. Như vậy dòng kênh bị thay đổi không theo thiết kế ban đầu ?
Sau khi lập biên bản giám định, Cty GĐ Thái Dương đã yêu cầu BQLDA cung cấp thêm hồ sơ. Tuy nhiên, khi không có phương án khắc phục và không thi công thì một số hồ sơ bên giám định yêu cầu khó đáp ứng: Hợp đồng và Hợp đồng thanh lý sửa chữa khắc phục tổn thất; Bản vẽ hoàn công sửa chữa khắc phục tổn thất; Biên bản nghiệm thu công việc sửa chữa khắc phục tổn thất; Hoá đơn, chứng từ, nhật ký khắc phục tổn thất.
Qua điện thoại ông Võ Quang Chung, Giám đốc Cty Bảo Việt Lâm Đồng cho biết, tổn thất tại công trình kênh tưới tiêu Châu Bình là quá lớn. Hiện tại chưa thểcung cấp thêm thông tin vì còn chờ hồ sơ bên Cty GĐ Thái Dương.
Tổng hợp các thông tin đối với hợp đồng bảo hiểm công trình đập phụ, kênh thông hồ và kênh tưới tiêu Châu Bình thì khi có tổn thất phải khắc phục xong mới được xem xét bồi thường. Không có nguồn vốn để khắc phục tổn thất thì nguy cơ mất hàng tỷ đồng phí bảo hiểm công trình cần được xem xét về mọi mặt như trách nhiệm, điều khoản hợp đồng...
Tác giả bài viết: Quang Trung
Nguồn tin: