Giáo dục

Sao nói "tự nguyện" mà dân cứ phàn nàn?

Có một thực tế là, rất nhiều người cảm thấy thực sự bị ép buộc khi phải đóng những khoản "đóng góp tự nguyện".

LTS: Hiện nay, tình trạng vận động "đóng góp tự nguyện" diễn ra rất nhiều trong xã hội. Tuy nhiên, thực tế người dân lại thường kêu ca về những khoản đóng góp này.

Tác giả Nguyễn Cao đưa ra một vài ý kiến phản ánh về thực trạng trên và đặt câu hỏi về tính minh bạch.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!


Thời gian gần đây, báo chí đã đề cập rất nhiều sự việc đóng góp tự nguyện không chỉ ở các trường học mà ngay ở các làng quê người ta cũng cứ “nghĩ” ra những khoản đóng góp, những khoản thu “tự nguyện”.

Có điều mọi giấy tờ cho dân kí thì đều là những người có trách nhiệm làm sẵn. Và, chuyện “tự nguyện” ấy cứ được dân tình bàn tán râm ran, không mấy ai cảm thấy vui vẻ và đồng tình với nhiều khoản thu bất minh này.

Như chúng ta đều biết: “Tự nguyện” là sự đồng thuận giữa người cho, trao (đóng góp) cho một cá nhân hay một tổ chức nào đó.

Khi đã nói tự nguyện là không có sự tính toán về thiệt hơn mà ở đó là tình nghĩa, là trách nhiệm của người cho (đóng góp) để hướng tới một mục đích cụ thể.

Nhiều người cảm thấy không thoải mái với những khoản đóng góp tự nguyện. (Ảnh minh họa, nguồn Tienphong.vn)

Nhưng, lâu nay ta đã quá quen với cụm từ này bởi rất nhiều các cá nhân, cơ quan, đoàn thể đã lợi dụng cụm từ “tự nguyện” để mưu cầu cho mục đích của riêng mình.

Hơn nữa, những khoản tiền “tự nguyện” không có sự minh bạch thông tin, không có mục đích rõ ràng nên nó đã trở thành sự phản cảm cho dư luận.

Đầu năm học, hàng loạt các trường đưa cho phụ huynh kí và đóng góp những khoản tiền “tự nguyện” mà phần lớn phụ huynh không đồng tình.

Nhưng, nhiều người cũng phải cắn răng để nộp những khoản tiền vô lí đó với tư tưởng là “cho yên chuyện”.

Tuy nhiên, có những trường phụ huynh lên tiếng tố cáo, báo chí vào cuộc thì các Ban Giám hiệu lại tìm hết cớ này đến cớ khác để biện minh cho việc làm của mình.

Nhiều trường không còn cách nào lấp liếm đành phải trả lại tiền cho phụ huynh, điều này cho thấy những bất ổn về tinh thần “tự nguyện” đóng góp ở các trường học.

Đối với giáo viên hàng năm cũng phải đóng góp hàng chục khoản tự nguyện cho vô vàn công trình, sự việc “ý nghĩa”.

Lần nào phát động cấp trên cũng nghĩ ra rất nhiều mĩ từ đẹp đẽ, nhân văn để kêu gọi.

Có điều lúc nào cũng nói “tự nguyện” mà cấp trên cứ ra thông báo hay thư ngỏ là trừ ngang một ngày lương hay ấn định một số tiền cụ thể và gia hạn đến ngày nào đó là phải nộp.

Thế là đến tháng lương, kế toán các trường lại trừ ngang mà hiếm có khi nào giáo viên được thảo luận hay đóng góp ý kiến cho hành động “từ thiện” của mình.

Chốn thôn quê cũng vậy, mỗi ngày đọc trên các trang báo ta thấy vô vàn những chuyện nhiễu nhương.

Ở đâu cũng thấy đóng góp, phát động để thu trên “tinh thần tự nguyện” vậy mà sao lòng dân oán thán nhiều đến thế.

Sự oán thán của người dân không phải là một vài trăm nghìn đồng bạc mà là sự khuất tất của các cấp lãnh đạo ở một số địa phương.

Họ thu thì đề ra chỉ tiêu một cách công khai nhưng chi như thế nào, làm cái gì thì lại là điều bí mật mà không phải ai cũng tường tận được đường đi, nước bước của những đồng tiền đóng góp của mình.

Sự việc này được lặp đi lặp lại đến mức… bão hòa với người đọc. Và rồi chúng ta cũng cứ phải đọc bởi có quá nhiều những chuyện được lặp đi, lặp lại hàng ngày.

Ngày 30/11, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài Người dân vừa nhận tiền đền bù thì cán bộ đến "xin" lại gần một nửa của tác giả Quốc Toản, đề cập đến chuyện “Nhiều hộ dân phường Đông Cương (Thanh Hóa) phản ánh, sau khi họ nhận xong tiền đền bù, lập tức bị cán bộ phường Đông Cương đến tận nhà "xin" lại gần một nửa”.

Có điều, các cán bộ nơi đây “xin” tiền của dân đã chuẩn bị sẵn giấy tờ để dân kí vào biên bản với nội dung “tự nguyện nộp tiền cho phường".

Chao ôi, dân mất ruộng, mất đất canh tác được đền bù vài chục triệu đồng để làm kế sinh nhai thì cán bộ đến xin mất hơn một nửa mà nói là “tự nguyện” cái nỗi gì chứ?

Nhìn tấm ảnh mà phóng viên chụp ngôi nhà bà Lê Thị Lũy (73 tuổi, trú tại phố 7, phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa) có lẽ đã được xây dựng hàng mấy chục năm trước và đang xuống cấp một cách thê thảm như vậy thì có phải là dân “tự nguyện” đóng góp cho phường không?

Vì thế, người dân có quyền đặt câu hỏi những đồng tiền của họ được cán bộ thu vào mục đích gì… thì cán bộ thu tiền loanh quanh.

Còn ông Lê Đỗ Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Cương phủ nhận việc cán bộ phường thu lại tiền đền bù của dân! Rõ ràng, phía sau những đồng tiền “tự nguyện đóng góp” đó là một sự khuất tất chưa có lời giải.

Đất nước ta còn nghèo, sự chung tay của xã hội là cần thiết nhưng nếu đâu đó cứ lợi dụng “tinh thần tự nguyện” để trục lợi cho một vài cá nhân là điều đáng lên án.

Mỗi đồng tiền của dân là mồ hôi và công sức, vì thế những đồng tiền “tự nguyện” phải được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích. Đừng để người dân cứ mãi than vãn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP