Toàn xã Thanh Mỹ hiện có khoảng 20 hộ ươm giống cây lâm nghiệp, tập trung chủ yếu ở xóm 2 và xóm 3 với diện tích hơn 5ha. Việc ươm và dâm hom giống cây được người dân nơi đây thực hiện quanh năm, nhưng tập trung nhất vẫn là vụ đông nhằm đảm bảo việc cung ứng giống cho vụ xuân năm sau. Hiện nay, đã có một số hộ dân ở các xã Hạnh Lâm, Thanh Đức đầu tư các tiến bộ khoa học công nghệ như làm mái che, hệ thống tưới nước tự động, quảng bá các loại cây giống qua mạng, trang Web để thu hút thêm thị trường mới.
Hàng trăm triệu cây giống đã được xuất bán ra thị trường qua mỗi mùa vụ
Hàng năm, giống cây ở đây không chỉ xuất bán cho các xã trong huyện, một số huyện miền núi trong tỉnh mà còn được bán ra các huyện lân cận như Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn và có khi ra các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Thanh Hóa hàng trăm triệu cây giống, đem về thu nhập cho địa phương gần 3 tỷ đồng. Các hộ ươm còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân trên 2 đến 3 triệu đồng/tháng, có những lao động làm lâu năm và thạo việc thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.
Nhiều hộ nông dân đã thu tiền tỉ mỗi băm từ sản xuất giống cây lâm nghiệp
Bà Nguyễn Thị Xuân – Trưởng Ban Nông nghiệp xã Thanh Mỹ cho biết: Từ việc sản xuất và cung ứng giống cây, nhiều hộ dân đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Để duy trì và ngày càng phát triển vườn ươm, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các hộ thuê đất tập trung mở rộng diện tích, đầu tư xây dựng nhà lưới. Qua đó, góp phần đưa nền kinh tế địa phương nói chung và các hộ dân nói riêng trên địa bàn từng bước đi lên.
Việc phát triển mô hình ươm cây công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Chương đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân, có thêm thu nhập ổn định cuộc sống; từng bước phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên địa bàn huyện trong những năm tới.
Tác giả bài viết: Văn Lý
Nguồn tin: