Người dân địa phương cho hay, khu rừng bần tại xã Tân Ninh đã tồn tại từ hàng trăm năm nay. Rừng có diện tích hàng trăm hécta, trải dài khoảng 3 cây số dọc sông Kiến Giang và là lá chắn sống, che chở cho làng xã khỏi thiên tai từ bao đời nay...
Tuy nhiên gần đây, hàng chục hộ dân đã thuê máy xúc vào rừng đào bới khiến khu rừng bị tàn phá nghiêm trọng.
Rừng bần được xem là lá chắn sống, che chở cho làng xã Tân Ninh khỏi thiên tai... |
Mục sở thị khu rừng bần tại xã Tân Ninh, cảnh những rừng bần trở nên hoang tàn, thưa thớt, nhiều cây bần bị chết đứng cho đến khô hiện ra trước mắt. Khu rừng như một cánh đồng hoang bởi phía trong cánh rừng là cả công trường đào ao, đắp đập. Nhiều cây bần hàng trăm năm tuổi bị quật ngã, chôn lấp. Không những vậy, việc đào ao để nuôi trồng thủy sản khiến cho nhiều cây bần bị cào hết rễ nằm héo dần chờ chết.
Cánh rừng bần như công trường để đào ao, đắp đập |
Cụ Nguyễn Văn Được (85 tuổi, thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh) cho biết, từ khi cụ mới sinh thì đã có khu rừng, nó chỉ cách nhà cụ có vài bước chân và có ý nghĩa rất quan trọng với đời sống dân làng...
Theo cụ Được, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rừng bần đã cùng với nhân dân Quảng Xá ngăn cản bước tiến của địch tiến lên đánh chiếm các vùng tự do ở xã Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh. Còn với kháng chiến chống Mỹ, rừng bần trở thành địa điểm bộ đội tập kết qua sông khi tuyến đường huyết mạch QL1A bị địch dội bom đánh phá...
“Vào mùa mưa bão, rừng giúp dân che gió chắn lũ. Mùa nắng thì làm điều hòa xoa dịu cái nóng. Nhưng bỗng dưng thời gian gần đây một số hộ dân đem máy móc vào tàn phá rừng bần để nuôi trồng thủy sản khiến chúng tôi rất lo lắng và búc xúc...”- cụ Được nói.
Những cây bần bị đào xới, nằm trơ trọi |
“Rừng bần được chúng tôi coi rất thiêng liêng. Chúng tôi luôn tôn trọng và giữ gìn. Nhưng giờ rừng bần bị tàn phá nặng nề, chỉ còn những thân cây trơ trọi. Mấy năm trước có trận bão lớn, nhờ có rừng bần che chắn nên giảm được một phần thiệt hại. Bây giờ không còn rừng nữa lấy gì mà che bão, chắn lũ đây...”- ông Dương Quang Lúc (thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh) chia sẻ.
Qua tìm hiểu, hầu hết các hộ dân này được chính quyền huyện Quảng Ninh giao đất để nuôi trồng thủy sản từ năm 1994, 1995 với thời hạn 20 năm. Trong thời gian này, có một số hộ dân tiến hành nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh nhưng hiệu quả không cao nên cũng bỏ dần. Cũng vì vậy, rừng bần không bị tác động lớn.
Tuy nhiên, cách đây 2- 3 tháng, nhiều hộ dân ồ ạt thuê máy móc đến đào bới ao hồ, đắp đập gây hủy hoại môi trường khiến nhiều hộ dân bức xúc và phản ánh lên chính quyền địa phương vì sợ rừng bần sẽ không còn tồn tại...
Rừng bần quý giá có nguy cơ biến mất nếu không có phương án kịp thời... |
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Trần Đại Thọ - Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, sau khi nghe thông tin về việc rừng bần bị xâm hại chính quyền xã ngay lập tức cho người về kiểm tra đề nghị tạm ngưng công việc.
“Chúng tôi phát hiện có 3 trường hợp đã lấn đất đai để đào đắp hồ và xâm hại đến rừng bần. Sau đó, chính quyền xã đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với các hộ dân vi phạm”- ông Thọ cho hay.
Cũng theo ông Thọ, với những hộ dân lấn chiếm đất đai để đắp ao hồ thì phải hoàn trả lại mặt bằng như cũ. Còn những hộ dân xâm hại đến rừng bần thì sẽ phải trồng và chăm sóc lại rừng bần. Hiện một số hộ dân vi phạm cũng đã bắt tay vào trồng lại rừng...
Tác giả: Văn Dinh
Nguồn tin: Báo Tài Nguyên & Môi Trường