Quán cà phê này sẽ sử dụng robot OriHime-D, cao 1,2 m và nặng 20 kg. Chúng được kiểm soát bởi người mắc các bệnh như xơ cứng teo cơ (một chứng rối loạn thần kinh vận động). Robot phục vụ sẽ gửi video và âm thanh qua mạng internet, cho phép người điều khiển có thể trực tiếp ra lệnh tại nhà thông qua máy tính bảng hoặc máy tính.
Robot OriHime-D có thể được điều khiển từ xa bởi những người khuyết tật thông qua thiết bị điện tử Ảnh: KYODO |
"Tôi muốn tạo ra một thế giới mà ngay cả người không thể cử động cơ thể cũng có thể làm việc" - ông Kentaro Yoshifuji, Giám đốc điều hành Công ty Ory Lab, nhà phát triển robot OriHime-D, giải thích về sự ra đời của quán cà phê nói trên. Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), bản thân ôngYoshifuji hồi nhỏ mắc một chứng bệnh do căng thẳng gây ra và gặp khó khăn trong giao tiếp. Từng trải qua sự cô lập ngoài xã hội, ôngYoshifuji bắt tay phát triển robot tại Trường ĐH Waseda (Nhật Bản) để giúp kết nối mọi người.
Ngoài phiên bản lớn nói trên, mẫu OriHime nhỏ hơn có chiều cao khoảng 21,5 cm và nặng khoảng 600 g, được sử dụng để hỗ trợ làm việc từ xa tại khoảng 70 công ty. Robot cũng có thể đến lớp thay các học sinh nào vắng mặt do những lý do như bệnh tật.
Công ty Ory Lab đang ấp ủ kế hoạch mở một quán cà phê hoạt động lâu dài với nhân viên robot OriHime trước thềm Thế vận hội Tokyo vào năm 2020. "Mọi người nên được tự do làm việc theo cách họ thích. Tôi muốn gửi thông điệp đến năm 2020 rằng ai cũng có thể bày tỏ lòng hiếu khách ngay cả khi họ là người khuyết tật" - ông Masatane Muto, một bệnh nhân mắc chứng rối loạn thần kinh vận động và là một trong những người tổ chức dự án, cho biết.
Tác giả: XUÂN MAI
Nguồn tin: Báo Người lao động