Ngay sau khi vụ án mạng khiến một người tử vong xảy ra ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc vào đêm 3/7, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai trong ba đối tượng gây án.
Trong khi dư luận đang phẫn nộ, lên án hành vi giết người dã man của các đối tượng thì có nhiều kẻ xấu lại tung những tin đồn thất thiệt “ăn theo” nội dung vụ án nhằm mục đích "câu like".
Mới đây, Công an TP.Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đã tiến hành triệu tập đối tượng Cao Thái Dương (SN 1993, trú tại TP.Việt Trì) để làm rõ hành vi tung tin đồn thất thiệt lên trang mạng xã hội gây hoang mang dư luận trong thời gian vừa qua.
Nhiều tin đồn thất thiệt sau vụ án giết người ở Vĩnh Phúc đêm 3/7. |
Theo đó, Dương dựa trên những thông tin đăng tải trên các trang báo và phương tiện thông tin đại chúng về vụ án mạng kinh hoàng tại Vĩnh Phúc để tạo dựng và đăng tải trên trang mạng cá nhân của mình bài viết không đúng sự thật với tựa đề “lại thêm một vụ án mạng... tại Việt Trì – Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại”.
Trong bài viết, Dương đã cố tình thay đổi tên tuổi nạn nhân, nghi phạm và địa điểm xảy ra vụ án nhằm gây sự chú ý đối với dư luận. Bài viết này sau đó đã nhận được rất nhiều lượt quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng, gây tâm lý hoang mang và tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Sau đó nhận thấy hành vi sai trái của mình, Dương đã xóa bài viết và cho biết đó chỉ là "tin vịt". Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Công an TP.Việt Trì đã triệu tập đối tượng để lấy lời khai và tiếp tục điều tra thêm.
Một số thông tin đồn thất thiệt liên quan đến những vụ án mạng rùng rợn xuất hiện ở Hòa Bình, Bắc Giang… cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dư luận quần chúng nhân dân và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Công an các địa phương này đã nắm được thông tin và vào cuộc điều tra xác minh.
Theo quy định pháp luật hiện hành, những hành vi tung tin thất thiệt lên mạng xã hội có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, tùy thuộc vào từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật áp dụng cho trường hợp đó.
Ví dụ, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Người có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường có thể bị xử phạt theo quy định của Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn…
Về xử lý hình sự, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự người phạm tội có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Nếu không xác định được chính xác người tạo ra tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226, Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này” và hành vi này xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Tác giả: Xuân Hòa
Nguồn tin: Báo Người đưa tin