Xe

Renault-Nissan-Mitsubishi và bản kế hoạch đầu tiên

Tập đoàn Renault đã công bố kế hoạch 6 năm đầy tham vọng mang tên Drive the Future, hướng tới mục tiêu doanh thu hàng năm đạt 70 tỷ EUR và tỷ lệ lợi nhuận cận biên đạt khoảng 7% vào năm 2022. Đây là kế hoạch lớn đầu tiên sau khi tập đoàn Pháp trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới.

Vượt qua cả Volkswagen và Toyota, trong 6 tháng đầu năm nay, Liên minh Renault-Nissan đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Theo trang Financial Times, trong 6 tháng đầu năm 2017, liên minh ô tô Pháp - Nhật này đã bán được 5.268.079 xe, cao hơn mức 5.155.591 xe của Tập đoàn Volkswagen và 5.129.000 xe của Toyota.

Trung tâm trong kế hoạch của Renault là dàn xe mới với không dưới 21 mẫu, trong đó có một mẫu MPV cho thị trường Ấn Độ, một mẫu crossover hạng C và một mẫu xe điện hạng trung cho thị trường Trung Quốc.

Bắt nhịp vào xu hướng hiện tại, nhà sản xuất xe hơi Pháp đầu tư mạnh tay cho xe điện. Dự kiến trong 21 mẫu xe kể trên sẽ có 8 mẫu chạy thuần điện và 12 mẫu hybrid. Kế hoạch ra mắt xe điện với số lượng lớn được đề ra với kỳ vọng giá pin đến năm 2022 sẽ giảm 30% và giá mô tơ điện giảm 20% so với hiện tại.

Theo Renault, các phương tiện chạy điện đang ngày càng nhận được nhiều thiện cảm của khách hàng. Hãng xe Pháp sẽ mang tới người dùng những mẫu xe có không gian rộng rãi nhờ kết cấu sàn xe phẳng và cách cập nhật phần mềm qua hệ thống không dây. Bên cạnh đó, các mẫu xe của Renault cũng có phạm vi hoạt động lên đến 600 km trên đường thử NEDC, bằng khoảng 400 km trên điều kiện thực tế. Công nghệ sạc nhanh cũng được tích hợp, mất 15 phút để đạt quãng đường 230 km.

Bản kế hoạch của Renault cũng đề cập đến sự mở rộng của các thương hiệu giá rẻ như Dacia, Lada và mẫu xe crossover Kwid. Chưa dừng lại ở đó, mảng xe tải hạng nhẹ được Renault đặt mục tiêu vươn lên vị thế dẫn đầu trong phân khúc cùng với sự ra mắt của các mẫu xe tải chạy điện.

Chủ tịch kiêm CEO của Nissan Motor Co - Carlos Ghosn sau khi thâu tóm Mitsubishi, thương hiệu thành công ở Đông Nam Á, điều mà Renault và Nissan chưa làm được.


Cũng như nhiều nhà sản xuất khác, Renault dành sự quan tâm rất lớn cho công nghệ tự hành cho ôtô. Theo kế hoạch, đến năm 2019 công nghệ tự hành cấp độ 2 - tự động kết hợp sẽ được Renault tích hợp trên các mẫu xe, bắt đầu với thế hệ tiếp theo của các mẫu Clio và Escape.

Đến năm 2021, công nghệ này được nâng lên cấp độ 3 - tự hành tùy điều kiện và đến năm 2022 sẽ là cấp độ 4 với một mẫu xe tự hành toàn phần. Và kết thúc của chu kì này, nhà sản xuất Pháp đặt mục tiêu 15 mẫu xe tự hành vào năm 2022.

Doanh số mục tiêu vào năm 2022 được đề ra là 5 triệu xe, tăng 40% so với 3,47 triệu xe của năm 2016, với 80% số xe sử dụng chung nền tảng của liên minh với Nissan và Mitsubishi. Việc sử dụng chung khung gầm sẽ giúp Renault tiết kiệm tới 40% chi phí nghiên cứu và phát triển và 30% chi phí sản xuất.

Ngoài ra bản kế hoạch cũng đề cập đến khoản tiết kiệm 4,2 tỷ euro thông qua việc sử dụng quy trình sản xuất Monozukuri (Monozukuri là một từ tiếng Nhật chỉ khái niệm định nghĩa việc cung cấp ý tưởng về một quá trình xây dựng tinh thần sản xuất, một hệ thống cùng các quy trình tiêu chuẩn để tạo ra một sản phẩm tốt) cộng thêm khoản đầu tư trị giá 18 tỷ Euro vào nghiên cứu và phát triển trong 6 năm. Renault cũng dự định, đến năm 2022, tại các thị trường trọng điểm, 100% xe của hãng sẽ được kết nối với các dịch vụ Internet, tăng từ mức 30% xe như hiện nay.

Tác giả: Khánh Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP