Kinh tế

Rau sạch từ nguồn

Đi dọc các vùng rau an toàn ở Hòa Vang bây giờ, nếu để ý sẽ thấy, tại mỗi vườn rau đều treo tấm bảng mi-ca trắng nho nhỏ, trên đó ghi chú cụ thể đối tượng sâu bệnh gây hại, cách phòng trừ, loại thuốc bảo vệ thực vật được dùng trên cây rau, ngày phun thuốc, ngày cách ly và cắt rau đem bán...

Nông dân trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Vừa tưới xong đám rau dền, cải, bà Hồ Thị Trực (thôn Túy Loan Tây 2, xã Hòa Phong) nghỉ tay, giở cuốn sổ lận trong túi áo ra đọc, ghi ghi chép chép. Hỏi “Sổ gì vậy?” thì bà nói: “Sổ theo dõi rau đó cô ơi, hộ nào ở đây cũng sắm cuốn sổ nhỏ này để tiện theo dõi vị trí phun thuốc, ngày phun thuốc, ngày cách ly... của rau trên ruộng nhà mình”.

Bà Trực kể, năm 2015, dự án trồng rau an toàn được triển khai khiến nhiều nông dân lo lắng bởi từ lâu người dân nơi đây chỉ quen với trồng các loại cây rau màu và trồng lúa. Được sự hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc của Phòng NN&PTNT huyện, gia đình bà mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng sang trồng các loại rau ăn lá và một số loại quả, nhờ đó thu nhập hiện nay gấp 3 - 4 lần so với hồi mới tham gia trồng rau.

Hiện Hòa Vang duy trì vùng rau an toàn với diện tích 65,5ha, trong đó tập trung đầu tư hệ thống tưới thẩm thấu cho khoảng 20ha, kết hợp với sử dụng phân bón hữu cơ hóa lỏng; xây dựng hệ thống nhà lưới, tưới tự động sản xuất rau cao cấp quy mô 2 - 5ha với các loại cây như: dưa lưới ruột vàng, dưa hấu trái vụ, các loại rau ăn lá.

Bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết, là huyện nông nghiệp duy nhất của thành phố, ngành nông nghiệp Hòa Vang rất tích cực trong việc theo dõi, khuyến khích, hỗ trợ nông dân trong quy trình sản xuất, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho xã hội.

Từ vụ mùa năm 2016, huyện Hòa Vang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát rau an toàn từ nguồn. Theo đó, mỗi sáng, cán bộ của các đơn vị chuyên môn (Trạm Bảo vệ thực vật, Hội Khuyến nông...) sẽ đi kiểm tra các vùng rau nhằm phát hiện rau có sâu bệnh để xử lý kịp thời, theo dõi thời gian phun thuốc bảo vệ thực vật và thời gian thu hoạch của mỗi vườn.

Đồng thời, cán bộ chuyên môn hướng dẫn, giám sát nông dân tại các vùng rau an toàn, ghi chép nhật ký đồng ruộng với trọng tâm là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách thức đơn giản như ngày phun thuốc, loại thuốc phun, liều lượng phun, thời gian cách ly, thời gian thu hoạch…

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp kiểm soát từ nguồn hiệu quả của ngành nông nghiệp thời gian qua là phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, giám sát chéo giữa chính những người sản xuất trong nhóm với nhau, giám sát của các cơ quan quản lý cũng như giám sát của người tiêu dùng. Chính vì vậy, bản thân các hộ dân luôn phải tự ý thức chấp hành và làm tốt hơn so với quy định.

Năm 2016, huyện Hòa Vang ban hành và triển khai “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ đô thị” giai đoạn 2016 - 2020, với tổng kinh phí 50 tỷ đồng. Theo đó, huyện Hòa Vang đặt mục tiêu phấn đấu hằng năm có từ 10 - 20% diện tích sản xuất chuyên canh được ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm có từ 2-3 nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa được xây dựng.

Bà Hạnh cho biết thêm, hiện tại ngành nông nghiệp huyện đang triển khai hai mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau sạch ở hai xã Hòa Ninh và Hòa Phú với diện tích 2ha theo công nghệ nhà kính Israel. Tất cả công đoạn canh tác từ chọn giống, gieo hạt, sản xuất, tưới tiêu, thu hoạch đều được cơ giới hóa và tự động hóa theo một quy trình tự động khép kín.

Ông Nguyễn Thắng, người phụ trách kỹ thuật của hai mô hình trên chia sẻ, ưu thế của hệ thống này là có thể điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió,... mang lại sản lượng cao trong nông nghiệp; cho sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế, thay đổi phương thức canh tác truyền thống của nông dân.

Là nông dân gốc Hòa Sơn, ông Thắng đã có 22 năm trồng rau an toàn ở Đà Lạt. Ngoài kinh nghiệm dày dạn, ông có sự am hiểu về khoa học kỹ thuật. “Vựa rau này đã được xuống giống hôm 23-5 vừa qua và theo tính toán của anh Thắng thì khoảng 35 ngày sẽ xuất một lứa. Chúng tôi tin tưởng mô hình trồng rau an toàn từ nguồn theo công nghệ tiên tiến này sẽ thành công”, bà Hạnh nói.

Tác giả: QUỲNH TRANG

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP