Giáo dục

Ra trường hơn 2 năm vẫn không lấy được bằng tốt nghiệp: Chi 3 triệu đồng thì có bằng

Gần 10 ngày sau khi giao dịch qua điện thoại, bà Nhung liên lạc với PV đến nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học. Sau khi thanh toán số tiền 3 triệu đồng, chúng tôi đã có trên tay tấm bằng tốt nghiệp mang tên Nguyễn Đình Lễ (SN 1981, trường hợp mà chúng tôi đã nêu ở kỳ trước) với chữ ký của Hiệu trưởng là giáo sư Trần Phương, cùng dấu đỏ của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

ra truong hon 2 nam van khong lay duoc bang tot nghiep chi 3 trieu dong thi co bang
Tấm bằng đại học của sinh viên Nguyễn Đình Lễ (ảnh nhỏ) và PV đã bỏ 3 triệu đồng để nhận bằng từ tay “cò” (ảnh cắt từ clip).

Tiền trao “cháo” múc

Trong suốt quá trình giao dịch qua điện thoại, bà Nhung tỏ thái độ khá thận trọng khi dò hỏi tất cả thông tin về chúng tôi như: Quê quán, công việc hiện tại, năm sinh và đặc biệt có quan hệ như thế nào với sinh viên Nguyễn Đình Lễ (trường hợp chúng tôi nhờ bà Nhung lấy giúp bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Khi chúng tôi chủ động đề nghị gặp trực tiếp thì bà Nhung từ chối khéo và bảo trước mắt cứ trao đổi công việc qua điện thoại, khi nào có bằng tốt nghiệp trong tay thì gặp trực tiếp chuyển tiền là được. Nhiều ngày sau đó, vẫn không thấy động tĩnh gì, chúng tôi chủ động liên lạc lại với bà Nhung để hỏi chuyện. Người phụ nữ này cho biết, đã lấy được bằng tốt nghiệp và sẽ sắp xếp một thời điểm hợp lý để gặp.

Không hỏi thêm nhiều, để tránh việc “rút dây động rừng”, chúng tôi tạm thời “án binh bất động” chờ đợi. Đúng như dự đoán, vài ngày sau đó, bà Nhung liên lạc lại với chúng tôi hẹn đầu giờ chiều 17/5 gặp mặt trực tiếp để giao dịch. Khi chúng tôi hỏi địa điểm gặp mặt ở đâu thì bà Nhung lấp lửng và nói sát giờ hẹn sẽ thông báo lại. Địa điểm mà chúng tôi được bà Nhung chỉ dẫn là một cửa hàng bán bếp điện nằm trên phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy.

Sau 10 phút đồng hồ đứng chờ dưới cái nắng gay gắt của ngày hè, một phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi, mặc quần âu đen, áo trắng, tóc ngang vai tiến về khu vực nơi chúng tôi đang đứng. Sau khi nháy máy điện thoại và nhận ra chúng tôi chính là người liên hệ trước đó, bà Nhung nở nụ cười rất tươi. Trong khi nói chuyện với chúng tôi, bà Nhung liên tục đảo mắt quan sát xem có điều gì bất thường xung quanh hay không. Thấy mọi thứ xung quanh đều ổn, bà Nhung quay lại tiếp tục xác minh những thông tin về chúng tôi mà trước đó đã từng tìm hiểu qua điện thoại thêm lần nữa. Thấy mọi thông tin mà chúng tôi cung cấp đều trùng khớp, đến lúc này bà Nhung mới nói chuyện cởi mở hơn. Bà ta cho biết, đang làm nhân viên cho một cửa hàng ở phố Nguyễn Khánh Toàn.

Sau khi chúng tôi giao đầy đủ số tiền 3 triệu đồng, bà Nhung đưa lại tấm bằng tốt nghiệp đại học. Tấm bằng này mang tên sinh viên Nguyễn Đình Lễ, Khoa Quản trị kinh doanh; sinh ngày 18/9/1981; xếp loại: Trung bình khá; Hình thức đào tạo chính quy. Kèm theo đó là chữ ký của GS Trần Phương (Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cùng dấu đỏ của nhà trường. Số hiệu bằng: 1337441. Số vào sổ cấp bằng: 592. Cấp ngày 1/8/2014 (tức là 2 tháng sau thời điểm sinh viên Nguyễn Đình Lễ hoàn tất lễ bảo vệ đề tài tốt nghiệp tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – và là gần 2 năm tính đến thời điểm này - PV).

Đền tiền gấp 10 lần nếu là bằng giả

Khi chúng tôi băn khoăn tấm bằng tốt nghiệp này liệu có phải là giả, bà Nhung nói: “Bằng có dấu đỏ và chữ ký của thầy Hiệu trưởng rõ ràng thế này thì sao là giả được. Nếu muốn xác minh đó là bằng thật hay bằng giả cũng chẳng khó khăn gì, chỉ cần mang tới trường nhờ bộ phận cấp bằng tra lại số hiệu là ra ngay”. Thậm chí bà Nhung còn nói, nếu tấm bằng là giả thì sẽ đền 30 triệu đồng. Có bất cứ vấn đề gì thì cứ đến chỗ làm của bà Nhung để nói chuyện. Sau khi mọi giao dịch đã xong xuôi, bà Nhung còn nói, sau này nếu có trường hợp sinh viên nào cần lấy bằng cứ liên hệ, nếu hợp tác được lâu dài, giá cả sẽ mềm hơn nhiều và sẽ có “hoa hồng” xứng đáng.

Trong nỗ lực đi tìm câu trả lời cho vấn đề liệu tấm bằng tốt nghiệp đại học mà PV nhận từ tay bà Nhung là thật hay giả, chúng tôi tiếp tục đề nghị sinh viên Nguyễn Đình Lễ đến trường để hỏi về tấm bằng tốt nghiệp mà suốt hơn 2 năm qua anh vẫn chưa nhận được. Ngày 1/6, anh Lễ đến trường để hỏi thì được cô Đặng Thị Huệ (cán bộ hệ Đại học liên thông, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) và thầy Lưu Chí Cương (cán bộ thuộc bộ phận phát bằng tốt nghiệp của nhà trường) trả lời rằng, “đã có người lấy hộ bằng tốt nghiệp” cho anh. Tuy nhiên, anh Lễ cho biết, mình không nhờ bất cứ ai đến trường lấy hộ bằng tốt nghiệp ra cả. Trước phản ứng của anh Lễ, phía bộ phận cấp bằng tốt nghiệp của trường đã đề nghị anh phải viết bản cam kết.

Nội dung bản cam kết mà anh Lễ viết như sau: “Hôm nay ngày 1/6/2016, em được cô giáo Đặng Thị Huệ gọi đến trường nhận bằng tốt nghiệp. Em không nhờ bất cứ ai nhận bằng hộ cho em và bản thân em cũng chưa trực tiếp nhận được bằng. Em cam đoan sự việc trên là hoàn toàn đúng, nếu sai em chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Kính đề nghị nhà trường cho em lấy bằng theo quy định”.

Trong một diễn biến khác, để xác minh có phải vì bị nợ môn nên sinh viên không được lấy (hoặc bị treo - PV) bằng tốt nghiệp, chúng tôi đã nhờ “cò” lấy thêm Bảng kết quả học tập của sinh viên Nguyễn Đình Lễ. Theo như Bảng kết quả học tập của anh Lễ mà “cò” lấy ra từ Trung tâm Tin học của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (có dấu đỏ của nhà trường) do TS Hoàng Xuân Lâm ký vào ngày 14/5/2016 thì sinh viên Nguyễn Đình Lễ đã hoàn thành tất cả các môn học trong quá trình học liên thông.

Cụ thể, Bảng kết quả học tập ghi chi tiết thông tin: Sinh viên Nguyễn Đình Lễ (18/9/1981) khóa học: 2010-2013; Mã số sinh viên: 7TD130052, lớp 07T.QL 203. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh. Sinh viên Nguyễn Đình Lễ đã trải qua 4 kỳ học với tổng cộng 28 môn học, điểm tất cả các môn đều đạt. Điểm trung bình toàn khóa là 6.63. Xếp loại học tập: Trung bình khá.

Như vậy, nếu xét theo Bảng kết quả học tập trên, anh Lễ không nợ bất cứ môn học nào và hoàn toàn đáp ứng đủ mọi yêu cầu để nhận bằng tốt nghiệp đại học. Với những điều bất bình thường trên, dư luận đặt nghi vấn, vì sao Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại chậm trả bằng tốt nghiệp cho sinh viên? Có hay không một số cán bộ nhà trường và “cò” bắt tay nhau để “moi tiền” sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa nhận được bằng?

Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ vào cuộc

Sáng 10/6, PV Báo GĐ&XH đã đến Bộ GD&ĐT để làm việc về vấn đề này. Trong cuộc trao đổi với PV, ông Vũ Đình Giáp - Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT nói: “Nếu sự việc đúng như phản ánh thì quả là một chuyện thật như đùa”. Ông Giáp đề nghị chúng tôi để lại những câu hỏi và sẽ trực tiếp chuyển đến Thanh tra Bộ GD&ĐT xem xét, giải quyết theo quy trình.

Tác giả bài viết: X.Thắng – N.Văn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP