Theo đó, Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) có ký hiệu HN, DL và EV (visa cấp cho người vào dự hội nghị - hội thảo, visa du lịch, visa điện tử) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Đồng thời Quốc hội cũng đồng ý nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Quốc hội |
Báo cáo giải trình, tiếp thu về nội dung thời hạn và giá trị của thị thực, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị giải thích cụ thể nhiều lần là như thế nào, có đề nghị đổi các quy định tính “tháng” bằng tính “ngày” cho thống nhất.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã rà soát, chỉnh lý các quy định về thời hạn của thị thực để thống nhất thay đổi cách tính “tháng” bằng tính “ngày”, trường hợp thời hạn 12 tháng được tính là 01 năm.
“Còn thị thực có giá trị nhiều lần là loại thị thực cấp cho người nước ngoài, được sử dụng để nhập xuất cảnh Việt Nam nhiều lần trong thời hạn của thị thực”, ông Tới nói.
Theo báo Tuổi trẻ, về mở rộng các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, một số ý kiến nhất trí quy định mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo bổ sung vào tài liệu gửi Quốc hội dự thảo nghị quyết về danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử.
Danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Ngay sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để kịp thời triển khai trong thực tiễn.
Về nâng thời gian cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu từ 15 ngày lên 45 ngày, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo luật; một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ của quy định 45 ngày; đề nghị tăng lên 60 hoặc 90 ngày.
Ông Tới cho hay việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách.
Tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo luật do Chính phủ trình.
Ngay sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để kịp thời triển khai trong thực tiễn.
Tác giả: Vân Anh (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn