Trong nước

Quốc hội thảo luận các vấn đề về kinh tế- xã hội, thực hành tiết kiệm

Quốc hội tiếp tục dành sáng 2/6 để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thực hiện chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiếp tục dành sáng 2/6 để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Đây là nội dung đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận ngày 1/6.

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Các nội dung quan trọng này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2021 có 7 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016; thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.568 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 202 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi ngân sách nhà nước thực hiện khoảng 286 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP, thấp hơn dự toán là 4% (hơn 343 nghìn tỷ đồng); xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8%...

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội, cho rằng các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ, nội dung báo cáo đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; đồng thời đánh giá trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, cùng với những bất ổn của tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán, lạm phát được kiểm soát, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất khó đoán định như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu ý kiến. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, các giải pháp phát triển du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá.

Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề như giáo dục-đào tạo, tăng học phí, giá sách giáo khoa; việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; vấn đề y tế; xuất khẩu lao động; bảo hiểm xã hội; giải quyết hồ sơ tồn đọng công nhận liệt sĩ, người có công, tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ; cơ chế, chính sách về huy động vốn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; việc nghiên cứu khoa học-công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ...

Theo Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ, nhìn tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành là thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ, kết quả đạt được là cơ bản, nhưng có lúc, có nơi, có việc còn bất cập, kết quả đạt được chưa cao; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, dịch bệnh gây đứt gãy nguồn cung khiến việc kiểm soát lạm phát trong nước tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch COVID-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,568 triệu tỷ đồng, vượt 16,8% dự toán).

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Chính phủ thống nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 đã được Trung ương và Quốc hội đề ra; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các quan điểm, phương hướng chỉ đạo, điều hành theo tinh thần của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển,” trong đó tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế- xã hội; thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả với lộ trình, bước đi chặt chẽ đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, khả thi; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác; tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước, khai thác hiệu quả các dư địa thu để tăng thu ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi; huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước hợp lý cho các nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật; thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.../.

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP