Theo ghi nhận, cửa biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh bị cát bồi lấp khá nặng, gây khó khăn cho tàu ra vào neo đậu tại cảng cá. Ông Phan Thanh An, ngư dân thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh cho biết, những tàu công suất nhỏ có thể ra vào cảng còn các tàu lớn thì rất phức tạp.
Cửa biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh đang bị bồi lấp nặng khiến tàu thuyền ra vào khó khăn |
Gần đây, tàu cá của ngư dân Hoàng Văn Thu (tỉnh Quảng Bình) vào cảng Cửa Tùng xuất bán hàng đã bị mắc cạn. Ngư dân Hoàng Văn Thu cho biết: “Việc ra vào cảng rất khó khăn, nếu không quen luồng lạch sẽ rất phức tạp. Những khi gặp mưa, gió thì tàu rất khó vào. Mỗi lần xảy ra sự cố gây thiệt hại cho chủ tàu, anh em mất thu nhập”.
Tàu cá của ông Thu bị mắc cạn khi vào neo đậu tại cảng |
Luồng lạch bị cát bồi lấp nặng |
Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay đã có hàng chục con tàu bị mắc cạn, gây thiệt hại cho người dân. Qua những lần gặp sự cố, chi phí trục vớt tàu rất lớn khiến nhiều ngư dân rơi vào cảnh khó khăn.
Đại diện Ban Quản lý Cảng cá Cửa Tùng cho hay, mấy năm gần đây do thời tiết khô hạn nên tình trạng bồi lấp càng trở nên nghiêm trọng. Hiện cảng biển bị thu hẹp luồng, tàu ra vào rất khó khăn do cát bồi lắng nhiều. Do không thể đi vào cảng nên các ngư dân phải chọn cách sử dụng các tàu công suất nhỏ hơn, tầm 45CV và 60CV để trung chuyển hàng hóa vào cảng xuất bán.
Ngư dân phải sử dụng tàu trung chuyển để bán hải sản |
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 2.800 tàu thuyền với tổng công suất gần 70.000 CV, trong đó có trên 170 tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, không riêng gì tại Cửa Tùng mà cảng Cửa Việt, tình trạng bồi lấp luồng vào cảng ngày một nghiêm trọng hơn. Chính tình trạng bồi lấp thường xuyên này đã làm cho nhiều tàu mắc cạn, thậm chí bị đắm. Đặc biệt là tàu của ngư dân các tỉnh khác đến neo đậu.
Hiện tượng bồi lấp cửa biển đang là nỗi lo thường trực của nhiều chủ tàu công suất lớn, bởi lẽ ngoài việc mất an toàn khi cập cảng còn là thiệt hại lớn về kinh tế đối với nhiều tàu cá của ngư dân.
Từ đầu năm đến nay, các tàu cá công suất lớn của tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là các tàu lớn đóng theo Nghị định 67 phải nằm bờ vì luồng lạch cạn không thể ra khơi.
Theo ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị: “Việc bồi lấp cửa sông, cửa biển diễn ra từ tháng 2 đến tháng 9, đây cũng là thời điểm ngư dân bước vào vụ đánh bắt hải sản, gây ảnh hưởng rất lớn đến đánh bắt, khai thác và phát triển ngành thủy sản. Do các tàu công suất lớn từ 90 CV trở lên đi vào cửa biển rất khó khăn, một số tàu đã gặp tai nạn đã làm ngưng trệ hoạt động đánh bắt. Bên cạnh đó, các hoạt động lưu thông và dịch vụ hàng hóa bị ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn”.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã chủ động tham mưu cho tỉnh có giải pháp khai thác bền vững, khơi thông, nạo vét luồng lạch cho các tàu đi vào cửa lạch an toàn hơn.
“Vào cuối 2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định cho tận thu cát, xã hội hóa việc này. Việc khơi thông, nạo vét luồng lạch cũng là yêu cầu cấp bách hiện nay”, ông Hưng nói.
Tác giả: Đăng Đức
Nguồn tin: Báo Dân trí