Tin địa phương

Quảng Bình: Vì sao Nhà máy clinker Văn Hóa tạm dừng sản xuất trong nhiều tháng?

Thiếu nguyên liệu, giá bán clinker thấp, giá nhiên liệu than tăng, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19… dẫn đến sản xuất thua lỗ, do đó Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa (do Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư) tạm dừng sản xuất từ tháng 8/2023 đến nay.

Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa, tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa đi vào hoạt động từ tháng 7/2013, quy mô công suất 5.000 tấn/ngày (1,6 triệu tấn/năm theo thiết kế), do Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư.

Theo Báo cáo của Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa, tình hình sản xuất kinh doanh tính đến hết cuối năm 2023, trong 115 ngày sản xuất, đạt 35,1% so với kế hoạch năm; sản lượng sản phẩm clinker sản xuất: 578.742 tấn, đạt 36,2% so với kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng bán ra: 584.016 tấn, đạt 39,5% so với kế hoạch năm, đạt doanh thu: 532,2 tỷ đồng, đạt 42% so với kế hoạch năm (lợi nhuận: lỗ 166,4 tỷ đồng); nộp ngân sách cho Nhà nước 52,4 tỷ đồng, đạt 65% so với kế hoạch năm. Từ ngày 14/8/2023 Nhà máy clinker dừng sản xuất dài hạn chưa biết khi nào hoạt động sản xuất trở lại.

Nguyên nhân dẫn đến việc ngừng hoạt động của nhà máy là gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như: Thiếu nguồn nguyên liệu, doanh thu bán hàng thấp hơn chi phí sản xuất và tiêu thụ rất nhiều, ảnh hưởng sau dịch Covid-19…

Gặp khó khăn trong sản xuất vì nhiều lý do, Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa tạm dừng sản xuất từ ngày 14/8/2023 đến nay.

Hiện, Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa còn 230 công nhân và người lao động. Từ tháng 9/2023 mặc dù không có doanh thu từ sản xuất nhưng công ty vẫn cố gắng chỉ cắt giảm số giờ công lao động hưởng lương của người lao động trực tiếp và một số đơn vị ký Hợp đồng dịch vụ còn khoảng 65% thời gian làm việc để duy trì cuộc sống của họ và gia đình họ; thời gian sắp tới nếu không tiếp tục sản xuất được thì công ty không còn đủ nguồn ngân sách dự phòng nên có nguy cơ phải giảm thêm số giờ lao động hưởng lương nhiều hơn nữa, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người lao động.

Tại Báo cáo số 1281/BC-SXD ngày 3/6/2024 của Sở Xây dựng Quảng Bình gửi Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh xi măng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, năm 2022-2023 ngành sản xuất xi măng, clinker tiếp tục đối mặt tình trạng dư cung, lượng tiêu thụ giảm sút do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, do thị trường bất động sản chững lại. Trong khi đó, giá than đầu vào ở mức cao đã kéo biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành đi xuống, lợi nhuận ngành Xi măng giảm sút khi áp lực nguyên liệu đầu vào tăng đột biến. Đến thời điểm hiện tại Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa vẫn đang dừng sản xuất, chỉ hoạt động nghiền clinker để duy trì đời sống và giải quyết công ăn việc làm cho công nhân.

Theo thiết kế Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa có công suất 1,6 tấn/năm.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa ngừng hoạt động là do giá xuất khẩu xi măng/clinker thấp nên các công ty sản xuất xi măng tập trung nguồn lực để phát triển thị trường trong nước, các nhãn hiệu xi măng từ phía Bắc đưa vào miền Trung tiêu thụ nhằm giảm áp lực tồn kho, cạnh tranh bằng giá bán. Giá một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao, giá điện tăng 2 lần trong năm (3% và 4,5%) làm tăng thêm chi phí, tác động làm giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Nhà máy sản xuất clinker của Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam đang diễn ra tình trạng thiếu đá vôi để sản xuất. Trước đó, đơn vị này đã được cấp phép mỏ đá vôi số 1992/GP-BTNMT ngày 15/10/2009, đi vào khai thác từ năm 2013, đến năm 2017 trong quá trình khai thác đã phát hiện phần lớn trữ lượng mỏ còn lại không đạt chất lượng sản xuất clinker.

Hiện nay, Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa còn 230 công nhân và người lao động.

Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam đã làm thủ tục xin mỏ mới và đồng thời trả lại một phần mỏ cũ từ năm 2017. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cấp mỏ đá vôi mới vì vướng nhiều thủ tục còn lại (chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, ĐTM, giấy phép khai thác…).

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác mỏ sét theo Giấy phép số 1089/GP-BTNMT ngày 05/7/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 4774/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 nhưng đến nay chưa đền bù giải phóng mặt bằng để tiến hành khai thác. Việc gặp những khó khăn trên khiến cho hoạt động giảm sút, thua lỗ do đó Nhà máy sản xuất clinker Văn Hóa buộc phải chọn phương án tạm dừng sản xuất và chưa hẹn ngày sản xuất trở lại.

Tác giả: Đào Hồng Thiệu

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP