Dân oằn mình vì thuế, phí
Đó là lời của những người dân ở xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) phản ánh với báo chí về việc đóng góp các khoản thu cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có nhiều khoản người dân cho rằng "chính quyền đã thay đổi tên gọi, trùng lặp"… gây bức xúc trong nhân dân.
Chúng tôi tìm về hộ ông D N. (xin giấu tên) trú tại thôn Tây Nẫm, xã Cự Nẫm được xã gửi thông báo (có chữ ký của chủ tịch xã và con dấu UBND xã) yêu cầu đóng các khoản như: Hương ước 480.000 đồng/4 khẩu; Đối ứng xây dựng đường giao thông nông thôn 600.000 đồng/4 khẩu; Đối ứng xây dựng trường học 480.000 đồng/4 khẩu; Xây dựng đường giao thông nông thôn 600.000 đồng/4 khẩu; Bảo vệ nhà văn hóa 15.000 đồng; dẫn nước 45.000; nộp tiền xây dựng đường ra khu nghĩa trang Chó Nổ 200.000 đồng/4 khẩu, Thầu khác 186.000 đồng, các khoản dịch vụ khác 200.000 đồng.
Theo phiếu thu trên, hạng mục "xây dựng giao thông nông thôn" có đến 3 khoản thu gồm: đối ứng xây dựng đường giao thông nông thôn; thu xây dựng đường giao thông nông thôn; thu nộp tiền xây dựng đường ra khu nghĩa trang Chó Nổ.
Hàng năm, vào đầu các năm học mới mọi học sinh đều phải đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, nhưng các khẩu trong xã vẫn phải đóng nộp khoản “Đối ứng xây dựng trường học” với mức nộp 120.000/khẩu. Xã còn đặt ra các khoản thu như: Bảo vệ nhà văn hóa thôn 15.000 đồng/hộ, dẫn nước 45.000 ngàn đồng/hộ.
Dân nghèo xã Cự Nẫm nhận cứu trợ trong đợt thiên tai cuối năm 2017. |
Ông N. bức xúc nói: “Những khoản thu này trên xã họ tự làm rồi gửi giấy về cho dân; năm nào chúng tôi cũng phải nộp theo khẩu như vậy, mà không họp dân gì cả. Những người phải nộp là trẻ con từ 6 tuổi đến nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Xã gửi giấy thu tiền về là thôn triển khai thu các khoản. Nhà nào nộp chậm, thì khi con cái hay cần việc gì lên UBND xã xin xác nhận, xin giấy tờ là họ không cho. Dù các khoản thu hết sức bất cập, dân đều bức xúc nhưng không ai dám nói, vì nói ra sự việc không biết có giải quyết được không, chứ vỡ lỡ chuyện sẽ bị trù dập, ảnh hưởng đến cuộc sống”.
Gần nhà ông N, gia đình bà H. cũng phải đóng các khoản tương tự. Bà N. cho biết: “Nhà tôi có 4 người gồm vợ chồng và 2 đứa con. Nay 1 đứa đang đi học ở nước ngoài, 1 đứa học ở Đà Nẵng. Con tôi sinh sau khi chia ruộng nên giờ không có ruộng, nhưng vì hộ khẩu đang ở nhà nên vẫn phải nộp tiền xây dựng trường học trên địa bàn, đóng nộp tiền nước hay tiền bảo vệ nhà văn hóa”.
Khi đóng nộp các khoản thu cho xã, người dân được giao cho một phiếu thu (loại phiếu thu nội bộ UBND xã) chỉ đóng dấu của UBND xã Cự Nẫm chứ không có mã số thuế theo quy định.
Xã huy động để "về đích" NTM ?
Mỗi khẩu từ 6 tuổi đến hết tuổi lao động phải đóng nộp tiền đối ứng xây dựng cơ sở vật chất trường học. |
Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm, ông Nguyễn Thanh Hùng cho rằng tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng đều được thông qua người dân hết, bàn bạc từ dưới thôn đi lên. Việc thu tiền của từng người dân xã dựa vào một bản thiết kế mẫu, chia bình quân theo các khẩu ở thôn.
“Về khoản hương ước, một tháng người lao động nộp 10.000đ, 1 năm là 120.000đ để chi phục vụ cho các hoạt động của thôn, phụ cấp cho các phó trưởng thôn, các đoàn thể ở thôn. Về khoản đối ứng xây dựng giao thông thì nguồn 150.000đ nộp lên xã là nguồn xã hội hóa, nộp vào ngân sách xã để điều tiết chung của toàn xã theo nghị quyết hội đồng. Mọi người trong độ tuổi phải nộp để xã dùng đầu tư đối ứng và làm chung toàn bộ đường của xã. Còn khoản xây dựng đường giao thông nông thôn, tại thôn nào xây dựng thôn đó họ họp dân và nộp tại đó. Như ở Thôn Tây Nẫm họ có đoạn đường trong nội thôn của họ thì họ đối ứng. Những hộ nào hưởng lợi trực tiếp, hoặc ở trong thôn đó là họ nộp”- Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm lý giải.
“Ở xã Cự Nẫm có 2 nghĩa trang liệt sĩ, ở hai khu vực này chúng tôi huy động những gia đình có mồ mả của người thân đang an táng trong khu vực nghĩa trang này nộp. Ngoài ra huy động con em đi làm ăn xa, có người nộp 5 triệu, 3 triệu. Cái này thì độc lập, mỗi hộ đều bàn bạc quyết toán công trình. Khoản này đều thông qua các hộ, ai không có mồ mả tại khu vực này thì không nộp”.
Chủ tịch xã ký giấy thông báo gửi cho các hộ dân về các khoản thu gây bức xúc trong dư luận nhân dân. |
“Về tiền xây dựng trường học thì thực hiện việc xã hội hóa giáo dục, các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đều hỗ trợ 40% đến 60%, còn lại ngân sách xã đóng góp. Tại xã Cự Nẫm đang huy động về đích nông thôn mới, thì mỗi khẩu trong độ tuổi nam từ 6 đến 60 tuổi, nữ từ 6 đến 55 tuổi đóng 120 nghìn/khẩu. Cái này gọi là xã hội hóa thông qua nghị quyết hội đồng, trên cơ sở lấy ý kiến toàn dân. Gia đình nào có con đang học hoặc không học cũng phải nộp. Trừ những người tàn tật, mất trí nhớ, không có khả năng lao động và ngoài độ tuổi thì không nộp”, ông Hùng khẳng định.
Về việc dùng phiếu thu 2 liên, không có mã sỗ thuế thì Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết, việc này giao cho dưới thôn thu chung cho các khoản khi đưa lên xã thì phân tích theo nguồn, còn hộ dân nào nói lên nộp trực tiếp thì xã sẽ trực tiếp thu cho từng hộ. Khoản nào thuộc ngân sách thì chúng tôi nộp vào kho bạc, các khoản như bảo vệ nhà văn hóa đó là thôn vận động thu nên các thôn ghép vào để thu luôn.
Liên quan đến người dân phản ánh chưa đóng nộp tiền cho xã thì lên UBND làm thủ tục, giấy tờ không được ông Chủ tịch xã phủ nhận: “Cái đó họ nói như vậy để động viên cho bà con nộp thôi. Bây giờ người dân họ nộp hết, không ai nợ nần gì đâu, họ đều biết nghĩa vụ của họ. Còn các buổi tiếp xúc cử tri không có ai phản ánh gì cả”.
Phiếu thu nội bộ (2 liên) được xã dùng để thu tiền thuế, phí ngân sách. |
Ông Trần Quang Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, việc thực hiện chương trình nông thôn mới, xã hội hóa là vấn đề quan trọng và cần thiết. "Trong quá trình đó tôi cũng chỉ đạo rằng khi mà chưa bàn bạc, chưa thống nhất, chưa thực hiện đúng quy chế dân chủ dân bàn, dân quyết định, thì không được triển khai thực hiện các nguồn thu để huy động các nguồn lực xã hội thực hiện chương trình nông thôn mới. Trên thực tế, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, huyện vẫn chưa nhận được phản hồi hoặc đơn khiếu nại, kiến nghị nói về việc vi phạm trong quá trình thực hiện".
Chủ tịch huyện Bố Trạch cho rằng việc trong thông báo ghi ra từng dòng thu cụ thể về mấy khoản thu giao thông nông thôn thì làm như vậy để rạch ròi các dự án, để dễ quản lý. Còn việc huy động xây dựng trường học thì không phải chỉ có con em đi học mới có đóng góp mà phải hiểu đúng ý xã hội hóa trong giáo dục, nên người không có con em đi học cũng phải phải có trách nhiệm.
Việc UBND xã Cự Nẫm thu tiền xã hội hóa xây dựng trường học quy định độ tuổi đóng nộp từ 6 tuổi đến 55 tuổi với nữ, và 6 tuổi đến 60 tuổi với nam khiến cho người viết bài còn nhiều băn khoăn. Nam ngoài 60 tuổi, nữ trên 55 là hết độ tuổi lao động, vậy những người từ 6 đến 18 tuổi chưa đến tuổi lao động đang hàng năm phải gánh những khoản thu này thì có công bằng hay không? Ngoài ra, liệu có hay không sự nhập nhằng giữa các khoản thu trùng lặp để dễ bề bao biện cho các khoản thu vô lý của địa phương?
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Infonet