Tin địa phương

Quảng Bình tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án cao tốc thành phần

Hiện nay, công tác bàn giao mặt bằng cho các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam qua Quảng Bình đang gặp một số các khó khăn do nhiều thủ tục pháp lý vẫn chưa hoàn thiện.

Ngày 18/8, UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với các BQL dự án và sở, ngành, địa phương liên quan về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với chiều dài 126,43 km. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng dài khoảng 42,95 km; Bùng - Vạn Ninh dài 49,93 km; Vạn Ninh - Cam Lộ dài 33,55 km. Theo đó, tổng diện tích chiếm dụng của các dự án thành phần khoảng 1.143,38 ha.

Thi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Tân

Báo cáo của Sở GTVT Quảng Bình cho biết, hiện nay, chiều dài các đoạn tuyến mà các địa phương đã bàn giao cho BQL dự án là 106,86km/126,43km. Để triển khai công tác GPMB cho các dự án, sẽ có 26 dự án tái định cư được thực hiện. Tuy vậy, hiện nay, các địa phương mới chỉ hoàn thành 1 khu tái định cư; 5 khu đang thi công, còn lại 20 khu đang tiếp tục triển khai các thủ tục liên quan.

Cũng theo báo cáo của cơ quan chức năng, để triển khai dự án, diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng là 663,26 ha, trong đó 437,25 ha đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng và có 226,01 ha phát sinh mới đã được UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT ngày 27/4/2023.

Ngoài ra, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng do thực hiện các dự án gồm hệ thống đường dây 500kV có 15 vị trí; đường dây 220kV có 15 vị trí; đường dây 110kV có 21 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây diện trung thế, hạ thế; hệ thống viễn thông; và 5,8 ha đất quốc phòng bị ảnh hưởng.

Về các thủ tục hồ sơ pháp lý, hiện nay tiến độ thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường; thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; công tác thẩm định hồ sơ, thiết kế bản vẽ thi công các khu tái định cư... vẫn chưa hoàn thiện.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng yêu cầu các BQL dự án - Bộ GTVT đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích tăng thêm của dự án. Hoàn thiện hồ sơ mốc lộ giới đối với các đoạn tuyến Km640+000 - Km646+00 thuộc Dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phối hợp với UBND các huyện sớm hoàn thành việc đánh giá ảnh hưởng của 92 hộ có công trình nhà ở trong phạm vi hành lang đường bộ; khẩn trương phê duyệt bổ sung các hạng mục công trình như hầm chui qua địa phận (huyện Bố Trạch, Quảng Ninh); hệ thống thoát nước (qua khu dân cư thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy thuộc Dự án đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ), đường gom (địa phận xã Kim Thủy thuộc Dự án đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ) để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng chủ trì cuộc họp.

Ngoài ra, các BQL dự án cung cấp số liệu chi tiết về nhu cầu vật liệu cát, đá của các dự án thành phần đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình cụ thể, chi tiết nhu cầu sử dụng theo năm, đoạn thi công báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình, cũng như chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý đối với các loại vật liệu còn thiếu; xây dựng phương án thi công đoạn qua đồi, núi trong mùa mưa bão.

Đối với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án còn lại. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt, thi công hoàn thành các khu tái định cư, khu nghĩa địa, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn thành trước ngày 30/9. Tập trung nhân lực đẩy nhanh việc thực hiện, hoàn thành công tác bồi thường, GPMB phần diện tích còn lại của dự án trước ngày 31/12/2023, cũng như tổ chức đối thoại, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của người dân.

Đồng thời, các sở, ngành cần tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi găm hàng, nâng giá các loại vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi, đất san lấp) để thu lợi bất hợp pháp trong quá trình triển khai các dự án.

Tác giả: Ngọc Tân

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP