Sáng 2/10, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình khai mạc kỳ họp lần thứ 11, thảo luận và thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng. Đáng chú ý là Nghị quyết Phê duyệt nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều hệ thống đê điều do địa phương quản lý.
Kỳ họp 11, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVIII diễn ra sáng 2/10 |
Tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVIII đã thông qua 16 Nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm; duy tu và xử lý cấp bách sự cố đê điều; phê duyệt chủ trương đầu tư công; quy định về học phí, miễn giảm học phí năm học 2023-2024...
Liên quan việc xử lý cấp bách sự cố đê điều, tỉnh Quảng Bình có 280 km đê, trong đó 1 tuyến đê biển, 11 tuyến đê cửa sông. Hệ thống đê điều này có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ sớm, lũ tiêu mãn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Hệ thống công trình đê điều tại địa phương này được xây dựng từ lâu, thường xuyên chịu tác động của mưa lũ, bão. Hiện nay, các tuyến đê dọc 2 bờ của các hệ thống sông Gianh, Roòn, Lý Hòa, Nhật Lệ, Kiến Giang, Lệ Kỳ đang hư hỏng, xuống cấp, một số nơi xảy ra các sự cố sạt lở, mất an toàn.
Hệ thống đê ven biển tỉnh Quảng Bình bị hư hỏng trong mùa mưa bão |
Việc duy tu, bảo dưỡng và xử lý các sự cố đê điều đang xuống cấp là nhiệm vụ cấp bách nhằm tăng cường khả năng chống bão lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình thống nhất trích kinh phí chi thường xuyên để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều đối với các tuyến đê của tỉnh Quảng Bình từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn hợp pháp khác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ bố trí nguồn ngân sách trung ương cho các địa phương để tu bổ các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Các hệ thống đê điều thuộc địa phương quản lý phải sử dụng nguồn ngân sách địa phương để duy tu, bảo dưỡng, xử lý cấp bách sự cố. Kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều hàng năm rất lớn nhưng nguồn lực ngân sách của tỉnh còn hạn chế. Do thiếu kinh phí nên các hoạt động duy tu, bảo dưỡng chưa được tiến hành thường xuyên và còn bị động, chủ yếu lo khắc phục tạm thời các sự cố khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc xử lý các sự cố khẩn cấp về đê điều thường bị chậm do chờ phê duyệt phân bổ kinh phí, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và hiệu quả đầu tư.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trên cơ sở thực trạng đê điều thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương trên địa bàn. Kinh phí chi thường xuyên để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều đối với các tuyến thuộc hệ thống đê trên địa bàn được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn hợp pháp khác. Trường hợp phát sinh sự cố cấp bách, các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng nguồn dự phòng, nguồn ngân sách huyện, huy động các nguồn lực tại chỗ để kịp thời xử lý sự cố”.
Tác giả: Thanh Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV