Quản lý chặt chất lượng vật liệu xây không nung sau khi đã công bố hợp quy. |
Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Xây dựng Quảng Bình đã tham mưu thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vật liệu xây dựng, từ việc triển khai các quyết định của Trung ương, đến lập quy hoạch, thẩm định các dự án đầu tư, tổ chức công bố hợp quy, hướng dẫn và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng; tổ chức đoàn kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện công bố hợp quy 10 sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; tổ chức thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ cho 16 dự án. Nhìn chung, việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch được triển khai kịp thời, đúng quy định, tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp phép thăm dò, khai thác.
Văn phòng Sở Xây dựng thông tin: Bên cạnh việc công bố hợp quy, đơn vị phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã thẩm định các nội dung liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện dự án khai thác mỏ cát, sỏi và đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Cùng đó, tổ chức đoàn kiểm tra các mỏ đất, cát đề nghị bổ sung vào quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo kế hoạch định kỳ và đột xuất, để kịp thời chấn chỉnh nếu có vi phạm.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá: Các khu vực mỏ đưa vào quy hoạch được thực hiện trên cơ sở đề xuất của địa phương, được các đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát, khoanh định, dự tính trữ lượng, có sự tham gia góp ý của các cơ quan, địa phương liên quan trước khi được thẩm định, phê duyệt theo quy trình. Từ đó, rút ngắn được thời gian, chi phí vận chuyển và giám sát được chất lượng vật liệu đầu vào. Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
UBND tỉnh Quảng Bình đã có chỉ đạo kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm theo quy định pháp luật.
Ông Phạm Quang Ánh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Chỉ thị, Quyết định, nhất là Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 18/9/2020, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Qua kiểm tra, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định. Không tham mưu UBND tỉnh gia hạn giấy phép và không cấp giấy phép mới đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý; dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tiếp tục chủ động triển khai thực hiện quản lý Nhà nước về khoáng sản chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt nội dung Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Quyết định số 957/QĐ-TTg, ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.
Sở Giao thông Vận tải cũng cho hay, thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, như: Yêu cầu tháo dỡ các máy móc, thiết bị dùng để khai thác cát, sỏi trái phép; tịch thu thiết bị, đình chỉ hoạt động theo quy định đối với các phương tiện vi phạm… nhằm xử lý dứt điểm tình trạng lập bến bãi trái phép; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực thuộc phạm vi bảo vệ công trình.
Tác giả: Nhất Linh
Nguồn tin: Báo Xây dựng