Tin địa phương

Quảng Bình siết chặt quản lý tàu cá '3 không'

Thời gian qua, dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận song công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) ở tỉnh Quảng Bình vẫn còn những hạn chế, trong đó vẫn chưa hoàn thành đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản và xử lý tàu cá '3 không' (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản). Hiện, tỉnh tập trung hỗ trợ ngư dân giải quyết tình trạna trên để việc quản lý tàu cá đi vào nền nếp...

Nhân viên Trung tâm đăng kiểm thuộc Chi cục thủy sản Quảng Bình kiểm tra để cấp đăng kiểm cho tàu cá.

Ngư dân Phạm Văn Tám ở thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) cho biết, 2 năm trước, gia đình ông mua chiếc tàu công suất 350CV nhưng do chưa làm giấy chuyển nhượng cho nên chưa đăng ký được, phải “neo” bờ gần hai năm nay. Ông đã lên phường Quảng Phúc xác nhận và làm thủ tục để được cấp các loại giấy tờ liên quan tàu cá nhưng rất khó vì thiếu nhiều căn cứ do quy định “quá chặt”.

Không riêng gì ông Tám mà theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, toàn tỉnh có 800 tàu cá “3 không” trong đó, có 711 tàu dài từ 6m đến dưới 12m; 50 tàu dài từ 12m đến dưới 15m; 39 tàu dài từ 15m trở lên. Các địa phương có số lượng tàu cá “3 không” nhiều là thị xã Ba Đồn (424 tàu cá), Quảng Ninh (120 tàu cá), Quảng Trạch (95 tàu cá).

Nguyên nhân dẫn tới tàu cá “3 không” là do nhiều chủ tàu tự ý cải hoán máy, chuyển nghề chưa làm thủ tục sang tên, đổi chủ; tàu cá mua từ ngoại tỉnh mà không thực hiện chuyển hồ sơ chủ sở hữu theo quy định, hoặc những tàu cải hoán không đủ điều kiện đăng kiểm. Thậm chí có những tàu cá nằm bờ dài ngày không hoạt động hoặc bị ngân hàng thu giữ lâu ngày dẫn tới hết hạn đăng kiểm. Do đó, việc quản lý số tàu cá này ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác phòng chống khai thác IUU của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát cụ thể, chi tiết để thống kê, lập danh sách tàu cá “3 không”, từ đó có các biện pháp xử lý.

Cụ thể, đối với nhóm tàu cá từ 12m đến dưới 15m, các địa phương lập danh sách cụ thể, phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh để thực hiện đăng kiểm theo quy định. Chi cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp xã, các phòng, ban chuyên môn của cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo quy định; cử cán bộ bám địa bàn để trợ giúp ngư dân thực hiện việc này. Riêng đối với nhóm tàu cá có số đăng ký nhưng cũ nát, không hoạt động hoặc không còn tàu thì hướng dẫn chủ tàu thực hiện thủ tục xóa đăng ký.

Từ giữa tháng 5/2024, Ủy ban nhân dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) liên tục phát đi thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã, tuyên truyền qua các hội, nhóm trên mạng xã hội và thông qua các cuộc họp của khu dân cư về chủ trương Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá “3 không” theo quy định mới. Ngư dân tự giác, tích cực phối hợp và tạo điều kiện cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để triển khai kế hoạch này trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh Đào Quang Vinh cho biết, thực tế tàu cá “3 không” trên địa bàn xã xuất hiện khá nhiều do tập quán đánh bắt thủy sản vốn tự do trước đây của ngư dân. Từ khi được tuyên truyền, khuyến cáo, ngư dân rất muốn được các cơ quan chức năng xem xét cấp phép, để yên tâm đưa tàu ra biển đánh bắt thủy sản hợp pháp. Điều này không chỉ giúp cho công tác quản lý tàu thuyền đi vào quy củ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác thủy sản đúng quy định.

Một ngày giữa tháng 6, theo lịch đăng ký, nhiều ngư dân xã Bảo Ninh có mặt từ sớm tại cơ sở đóng tàu trên địa bàn để đăng kiểm tàu cá. Trung tâm đăng kiểm thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Bình cũng cử tổ công tác đến xã Bảo Ninh khá sớm, mang theo thiết bị chuyên dụng để kiểm tra tàu, thiết bị nhằm cấp đăng kiểm cho tàu cá. Nhiều chủ tàu cá “3 không” rất vui với cách làm mới và có trách nhiệm cao của lực lượng chức năng.

Ông Mai Văn Mùi, chủ tàu cá công suất 320CV vừa được tổ công tác hướng dẫn ký biên bản kiểm tra, hoàn tất thủ tục vui mừng cho biết, nhiều năm nay do không có hồ sơ đăng ký cho nên tàu cá của gia đình ông xem như hoạt động không phép. Do đó, việc ra khơi đánh bắt thủy, hải sản rất khó khăn, thậm chí không thể ra khơi được. Khi có chủ trương được hỗ trợ, gia đình rất vui mừng vì nay đã có đầy đủ giấy phép cho tàu cá ra khơi đánh bắt theo đúng quy định.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình Lê Ngọc Linh, từ trước đến nay, do có hàng trăm tàu cá “3 không” cho nên Chi cục cũng như các địa phương ven biển không thể quản lý. Trong khi đó, việc đăng kiểm tàu, cấp giấy phép khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và người dân cũng chưa tự giác thực hiện.

Trước thực tế đó, đầu tháng 5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá… đã giúp cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.

Theo đó, hồ sơ đăng ký tàu cá, tờ khai đăng ký phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú để làm căn cứ cho cơ quan chức năng xác định đúng đối tượng, phương tiện. Ngoài ra, chủ tàu phải cung cấp các bản sao chụp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá, bản thông báo nộp lệ phí trước bạ của tàu và ảnh màu chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu.

“Xác nhận của chính quyền cấp xã, phường nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú là để bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc hải sản, khắc phục tình trạng bỏ tàu hoặc chủ tàu bỏ trốn không thể tìm ra khi có vi phạm về đánh bắt IUU. Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã phổ biến các giấy tờ, thủ tục cần thiết đến tận xã và các thôn có biển hoặc có phương tiện đi biển. Qua đó, người dân đã nắm được những thủ tục cần thiết để đến Ủy ban nhân dân xã, phường kê khai, xác nhận”, ông Linh cho biết thêm.

Với sự nỗ lực của Chi cục Thủy sản và chính quyền các địa phương, đến cuối tháng 6/2024, tỉnh Quảng Bình hoàn thành thủ tục cấp phép cho gần 600 tàu cá “3 không” thành tàu có hồ sơ hợp pháp để quản lý và đang tiếp tục triển khai cấp giấy phép cho 200 tàu còn lại. Ông Đoàn Ngọc Lâm cho rằng, đưa công tác quản lý tàu cá “3 không” vào nền nếp giúp cho địa phương giải quyết một trong những trở ngại lớn trong việc khắc phục IUU.

Tác giả: Hương Giang

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP