Tin địa phương

Quảng Bình phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm

Quảng Bình sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư nhằm đưa lĩnh vực công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm mang tính động lực.

Phân 3 vùng công nghiệp

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa qua đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg, lĩnh vực công nghiệp được xem là ngành kinh tế trọng điểm mang tính động lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo, Quảng Bình sẽ tiếp tục chú trọng các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; chế biến nông, lâm, thuỷ sản (tập trung các phân ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, chế biến thực phẩm và nông sản xuất khẩu); sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may và các ngành công nghiệp hỗ trợ…gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, khai thác tốt cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Đối với phương án tổ chức hoạt động, tỉnh Quảng Bình phân lĩnh vực công nghiệp thành 3 vùng. Trong đó, vùng phía Bắc tỉnh sẽ lấy Khu kinh tế Hòn La làm hạt nhân với các khu công nghiệp (KCN) trực thuộc như KCN Cảng biển Hòn La, KCN Hòn La II, KCN cửa ngõ phía Tây, KCN Quảng Trạch và các cụm công nghiệp khác do địa phương quản lý. Đây sẽ là vùng công nghiệp mang tính động lực phát triển của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 với một số dự án trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I-II và điện khí. Khu vực này sẽ ưu tiên các dự án có trình độ công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tiên tiến…

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh- KKT Quảng Bình

Đối với vùng công nghiệp trung tâm tỉnh, đây là khu vực công nghiệp nằm tại TP. Đồng Hới và các vành đai lân cận như huyện Bố Trạch, huyện Quảng Ninh, bao gồm các KCN: Bố Trạch, Tây Bắc Đồng Hới, Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Quán Hàu và một số cụm công nghiệp địa phương. Khu vực này ưu tiên các loại hình công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, các loại hình công nghiệp hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động, công nghệ cao, sản xuất trang phục –dày da.

Và vùng công nghiệp phía Nam của tỉnh sẽ là các KCN Cam Liên, Bang và các cụm công nghiệp địa phương tại 2 huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh (nam sông Nhật Lệ và cầu Quán Hàu). Vùng này ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, cây công nghiệp và loại hình công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ hải sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá và phát triển các loại hình năng lượng tái tạo dọc ven biển.

Ngoài ra, Quảng Bình còn phát triển vùng sản xuất vật liệu xây dựng trọng điểm ở khu vực các huyện Tuyên Hoá và một phần tại huyện Quảng Ninh.

Quỹ đất dồi dào, tiềm năng lớn

Theo UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, mục tiêu của tỉnh Quảng Bình, đó là đến năm 2030 giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) sẽ đạt 48.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14-14,5%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 13%/năm.

Được biết, so với nhiều địa phương khác trên cả nước, Quảng Bình được xem là có tiềm năng thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực công nghiệp khi sở hữu quỹ đất dồi dào, nguồn nguyên liệu có sẵn, cơ sở hạ tầng ngày càng được tỉnh chú trọng đầu tư đồng bộ, hoàn thiện.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết, tính đến năm 2022, tại KCN Tây Bắc Đồng Hới, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng đạt 66,32ha; diện tích đất cho thuê đạt 36,1195 ha; diện tích đã chuyển nhượng cho thuê sản xuất kinh doanh là 4,616ha; đạt tỷ lệ lấp đầy 98,9%.

Với KCN Bắc Đồng Hới, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng đạt 82,9ha; diện tích đất đã giao và cho thuê là 37,21ha; diện tích đã chuyển nhượng cho thuê sản xuất kinh doanh là 11,76ha; đạt tỷ lệ lấp đầy 44,48%. Tại KCN Tây Bắc Quán Hàu, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại KCN này đạt 15,28ha; diện tích đất đã giao và cho thuê là 14,22ha; tuy vậy so với quy hoạch chung, tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt 8%.

Với KCN Cam Liên, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại đây đạt 21,76ha; diện tích đất đã giao và cho thuê là 21,46ha; tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy theo quy hoạch KCN mới đạt 6,9%.

Với KCN Cảng biển Hòn La, đến nay, KCN đã giải phóng mặt bằng được 109,26ha; diện tích đất đã giao và cho nhà đầu tư thuê là 50,54ha; diện tích đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư thuê sản xuất kinh doanh là 9,47ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 47,41%.

Còn với KCN Hòn La II, tính đến nay, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại KCN này đạt 19,31ha, diện tích đất đã giao và cho thuê 13,88ha; tuy vậy, tỷ lệ lấp đầy theo quy hoạch mới chỉ đạt 11,9%.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng đất tại các KCN, khu kinh tế, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư với những đối tác, ngành nghề, dự án phù hợp với quy hoạch các KCN.

"Bên cạnh việc xây dựng các tiêu chí đầu tư trong KCN để lựa chọn ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp, tỉnh sẽ thực hiện nghiêm công tác giám sát đánh giá, chấm dứt hoạt động các dự án chậm tiến độ kéo dài hoặc không triển khai trong các KCN dẫn đến lãng phí quỹ đất. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó xác định ưu tiên các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc.. và các ngành nghề chính như công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao… nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả lấp đầy tại các KCN", ông Lâm thông tin.

Tác giả: Ngọc Tân

Nguồn tin: baodautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP