Theo Quyết định số 2659/QĐ-UBND, tổng nguồn vốn phân bổ giai đoạn 2021 - 2025 là 850.193 triệu đồng (ngân sách Trung ương 800.193 triệu đồng, ngân sách tỉnh 50.000 triệu đồng); tổng nguồn vốn phân bổ năm 2022 là 156.999 triệu đồng. Trong đó, Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt 118.702 triệu đồng; Dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết 196.714 triệu đồng; Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc 163.789 triệu đồng; Dự án Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 54.737 triệu đồng; Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch 42.885 triệu đồng; Dự án Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn 218.186 triệu đồng; Dự án Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình 5.180 triệu đồng.
Những người lính mang quân hàm xanh và đồng bào người Rục (nhóm địa phương thuộc dân tộc Chứt) vùng biên xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình làm đất, đắp ruộng chuẩn bị xuống giống vụ lúa mới. - (Ảnh: Võ Dung/TTXVN). |
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực các Chương trình mục tiêu Quốc gia hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư triển khai phân bổ vốn, thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia và quy định hiện hành.
Ban Dân tộc chủ trì, điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư triển khai thực hiện Chương trình theo văn bản hướng dẫn thực hiện của Ủy ban dân tộc, Bộ, ngành liên quan và quy định hiện hành.
UBND các huyện trình HĐND huyện thông qua về phân bổ chi tiết danh mục công trình, dự án cho đơn vị, địa phương trực thuộc, theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và các văn bản hướng dẫn của chương trình, trong đó đảm bảo tỷ lệ số lượng dự án đầu tư thực hiện theo cơ chế đặc thù tối thiểu 10% số lượng dự án đầu tư của Chương trình.
Bên cạnh đó, UBND các huyện được phép điều tiết phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 giữa các xã, thôn, bản thụ hưởng trên địa bàn quản lý để hoàn thành mục tiêu của Chương trình nhưng đảm bảo không làm thay đổi tổng vốn năm 2022 của từng địa phương; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện, cấp xã, đóng góp của người dân, chương trình mục tiêu khác và nguồn vốn hợp pháp nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu của các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã ban hành…
Quảng Bình có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.845km2, trong đó, có 9 xã có biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài trên 222km; tổng dân số gần 11.000 hộ, 45.400 người. Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 102 thôn, bản thuộc 15 xã và 3 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy với 6.417 hộ, 27.004 người. Dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt là hai dân tộc thiểu có số dân đông nhất với hơn 26.000 người.
Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, kinh tế-xã hội của đồng bào có nhiều khởi, sắc, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Đồng bào tin tưởng, đồng thuận, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Bình còn những hạn chế, yếu kém, lạc hậu như: Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ý lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số rất cao (chiếm gần 70%)...
Để phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt làm sớm kéo giảm hộ nghèo, ổn định đời sống cho người dân, Tỉnh ủy Quảng Bình xây dựng Dự thảo nghị quyết phát triển vùng đặc thù này giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 gồm có 4 phần, trong đó nhấn mạnh các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; lồng ghép, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào. Tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào.
Tác giả: Nhật Nguyệt
Nguồn tin: thoidai.com.vn